Tục thờ cúng của người Việt: Nét đẹp tâm linh

tục thờ cúng tổ tiên

Trong văn hóa người Việt, tục thờ cúng không chỉ là một hành động tâm linh mà còn là sợi dây gắn kết giữa các thế hệ, giữa con người với thần linh và tổ tiên. Từ thời xa xưa, phong tục thờ cúng đã thấm sâu vào nếp sống, trở thành nét đẹp không thể thiếu trong đời sống văn hóa.

Người Việt tin rằng, dù tổ tiên đã khuất hay thần linh ngự trên cao, họ đều luôn dõi theo, che chở và bảo vệ con cháu. Vì vậy, việc thờ cúng không chỉ là cách bày tỏ lòng thành kính mà còn là lời cầu mong phúc lộc và sự bình an.

Nhiều gia đình có thói quen thắp nhang vào sáng sớm hay vào buổi tối mỗi ngày để tăng thêm phần ấm áp, sinh khí cho ngôi nhà. Điều này rất nên làm vì có thể đảm bảo bàn thờ luôn có hương khói, ấm cúng. Tuy nhiên nếu không có thời gian, các gia đình có thể thắp nhang vào những ngày giỗ, lễ Tết, rằm, mùng 1.

Người Việt có nhiều hình thức thờ cúng khác nhau, nhưng tựu chung đều xoay quanh hai đối tượng chính: thờ tổ tiênthờ thần linh.

Lễ nghi cơ bản:

Làm việc gì cũng nên nghĩ đến việc XIN PHÉP, có trước có sau. Chưa biết có ai đó chứng giám, nhưng cũng mang lại sự an yên phép tắc trong lòng. Ví dụ:

  • Dọn về nhà mới, hãy sắp đĩa trái cây với bình hoa và xin: hôm nay là ngày... gia đình con Nguyễn Văn A... xin dọn vô cư trú trong nhà này. Con xin có chút hương hoa lễ vật kính trình các vị Thổ địa Thổ thần, các vị khuất mặt trong nhà này chứng minh và Liêu tri giáo hộ cho chúng con được ở an yên nơi này.
  • Đốn một cây cổ thụ: trước 3 ngày khấn các Côn trùng Vi tế các vị Thần nào có nương trú ở đây, 3 ngày nữa cái cây sẽ được bứng đi. Vậy tôi xin được báo cho các vị biết. Nếu các vị nghe được điều tôi nói xin các vị dọn nhà...

Tục thờ cúng tổ tiên:

Phong tục thờ cúng tổ tiên không phải là một tôn giáo mà xuất phát từ lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với những người đã khuất. Đây là cách người Việt thể hiện lòng hiếu thảo, duy trì mối liên kết tâm linh giữa các thế hệ và nhắc nhở về cội nguồn.

Người Việt quan niệm tổ tiên luôn dõi theo, che chở cho con cháu, và việc thờ cúng là để tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong sự phù hộ độ trì.

Gia đình thường thờ tổ tiên đến đời thứ 4. Những người thuộc đời thứ 5 trở lên sẽ được chuyển về nhà thờ tổ hoặc nhà thờ họ. Điều này mang ý nghĩa duy trì sự kết nối với dòng tộc, gia đình lớn. Đối tượng thờ bao gồm:

  • Ông bà, tổ tiên: Họ là những người có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì gia phong, gia đạo.
  • Bà Cô, Ông Mãnh: Là những người mất khi còn trẻ, chưa lập gia đình. Dân gian luôn tin rằng Bà Cô Ông Mãnh rất linh thiêng. Tuy nhiên do Bà Cô Ông Mãnh là những người còn ít tuổi nên không nên thờ chung bát hương với các cụ và tổ tiên.

Phong tục thờ cúng tổ tiên thường diễn ra vào các dịp quan trọng như:

  • Ngày giỗ: Kỷ niệm ngày mất của tổ tiên.
  • Tết Nguyên Đán: Mời tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình.
  • Rằm, mồng Một: Cầu bình an và phúc lộc.
  • Các dịp quan trọng: Như cưới hỏi, làm nhà, khai trương…

Mâm cúng tổ tiên:

  • Lễ mặn: Gồm cơm, canh, thịt, xôi, gà… tùy theo điều kiện gia đình.
  • Hoa quả: Mâm trái cây tươi thể hiện sự thanh khiết.
  • Rượu: Là lễ vật không thể thiếu, tượng trưng cho sự tinh túy.

Giờ cúng: Buổi chiều hoặc giờ Ngọ (trưa): Là thời điểm thích hợp nhất để cúng gia tiên. Buổi sáng thường dành để thờ thần linh.

Thắp hương: Ngày thường, chỉ nên thắp 1 nén hương trên mỗi bát.. Ngày Tết hoặc lễ lớn, có thể thắp hương vòng để hương cháy lâu hơn. Khi hương cháy hết, có thể dọn đồ thờ, đốt vàng mã và rưới rượu 3 lần lên tro, vừa làm vừa đọc bài khấn.

Bày trí bàn thờ cho nhà phố

Trong không gian hạn chế của nhà phố, việc gộp bàn thờ thần linh và tổ tiên là lựa chọn phổ biến. Tuy nhiên, để đảm bảo tính trang nghiêm và hợp phong thủy, cần tuân theo các nguyên tắc sau:

  • Vị trí bàn thờ: Bàn thờ được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà, tránh các khu vực ồn ào như bếp hoặc gần nhà vệ sinh, tránh đặt các thiết bị điện tử. Nếu nhà nhiều tầng, bàn thờ nên đặt ở tầng cao nhất.
  • Kết cấu ban thờ: Bàn thờ treo tường: Phù hợp cho không gian nhỏ, sử dụng 1 bàn thờ gọn gàng để thờ chung; Bàn thờ đứng: Dành cho không gian rộng hơn, có thể sử dụng bàn thờ lớn hoặc kết hợp thêm tủ thờ nhỏ bên dưới để đặt đồ lễ.
  • Hãy đảm bảo bàn thờ luôn gọn gàng, ngăn nắp, và duy trì lễ cúng đầy đủ để không chỉ tôn vinh truyền thống mà còn mang lại sự bình an, may mắn cho gia đình.

Các vật phẩm và bày trí cơ bản trên bàn thờ:

Sau đây là các vật phẩm theo thứ tự quan trọng:

  1. Bộ tam sự: Đỉnh hương và đôi hạc thờ/ hoặc đôi chân nến.
  2. Bộ ngũ sự: Thêm đôi chân nến/ hoặc đôi hạc thờ.
  3. Một cặp đèn dầu/ đèn thờ điện/ đèn cầy.
  4. Bát hương: Dùng 3 bát hương nếu đủ không gian
    • Bát hương lớn nhất ở giữa: Thờ thần linh (Thổ Công, Táo Quân...).
    • Hai bát hương nhỏ hơn: Một bát thờ gia tiên (bên phải từ ngoài nhìn vào), một bát thờ Bà Cô, Ông Mãnh (bên trái). Nếu bàn thờ nhỏ, có thể gộp thành 1 bát hương chung. Tinh tế nên kê bát hương Gia tiên cao hơn một chút để tránh bị quở trách.
  5. Lọ hoa mâm bồng, đặt theo lối "Đông bình Tây quả", trên suy luận mặt trời mọc hướng đông thì ra hoa, chiều về tây đậu quả. Nếu có điều kiện thì nên mỗi thứ 2 cái đặt cân xứng sẽ đẹp hơn.
  6. Bộ ngai chén 3 cái đựng nước.
  7. Ống hương.
  8. Đài thờ đựng gạo, nước và muối.
Bày trí ban thờ
Bày trí một ban thờ cơ bản cho nhà phố

Bài trí tuân theo nguyên tắc: trong cao, ngoài thấp; trái phải cân đối; trong tối, ngoài sáng. Trên đây cũng chỉ là một số vật phẩm cơ bản. Nhà có điều kiện còn trưng bày nhiều vật phẩm khác như: nậm rượu; khám thờ; đặt ảnh và bài vị; hoành phi- câu đối... để thể hiện tấm lòng vô bờ bến của gia chủ.

Lập ban thờ mới phải làm sao?

Khi bạn là con thứ và ở xa quê hương, việc lập bàn thờ tổ tiên mới tại nơi ở hiện tại không chỉ là biểu hiện của lòng hiếu kính mà còn giúp duy trì mối liên kết tâm linh với ông bà, tổ tiên. Để bàn thờ tổ tiên trở nên linh thiêng và có ý nghĩa, bạn có thể thực hiện các bước sau:

  • Xin phép thần linh và tổ tiên:
    Trước khi lập bàn thờ, hãy thắp hương và cầu xin Thổ Công (thần linh cai quản đất đai nơi bạn ở) cho phép lập bàn thờ tổ tiên: "Kính lạy Ngài Thổ Công, Táo Quân và các vị Thần Linh cai quản trong ngôi nhà này (hoặc mảnh đất này). Hôm nay, ngày... tháng... năm..., con tên là... (họ tên), ngụ tại... (địa chỉ nơi ở). Vì lòng hiếu kính đối với tổ tiên, con xin được lập bàn thờ để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ và các bậc tiền nhân nội ngoại dòng họ. Con cúi xin Ngài Thổ Công cùng các vị Thần Linh thương xót chứng giám, cho phép con được lập bàn thờ tại đây. Con nguyện sẽ giữ gìn nơi thờ cúng trang nghiêm, sạch sẽ, và kính cẩn dâng lễ. Kính xin Ngài cùng các vị Thần Linh phù hộ độ trì cho gia đình chúng con được bình an, mạnh khỏe, hạnh phúc, và mọi sự hanh thông. Con xin thành tâm kính lễ".(kết thúc với lòng thành kính).
  • Lễ nhập trạch (nếu cần):
    Nếu bạn chuyển đến nhà mới, có thể làm lễ nhập trạch trước khi lập bàn thờ.
  • Mời tổ tiên an vị:
    Khi bày trí xong bàn thờ, bạn có thể thực hiện lễ mời tổ tiên "an vị" bằng cách thắp hương và đọc lời khấn. Lời khấn có thể như sau: "Con kính lạy ông bà tổ tiên, các bậc tiền nhân nội ngoại dòng họ… Hôm nay, con là (tên bạn), lập bàn thờ tại nơi ở mới để tưởng nhớ và bày tỏ lòng hiếu kính. Xin ông bà tổ tiên chứng giám lòng thành của con cháu, ngự tại đây và phù hộ độ trì cho gia đình chúng con được bình an, mạnh khỏe, hạnh phúc. Con xin cúi đầu kính lạy."
  • Kết hợp lời cầu nguyện Công giáo:Với người theo đạo Công giáo, sau khi khấn xin Thổ Công, có thể đọc thêm lời cầu nguyện Công giáo như sau: "Lạy Chúa, xin đón nhận linh hồn ông bà tổ tiên chúng con vào nơi ánh sáng ngàn thu của Chúa. Xin cho gia đình chúng con luôn biết sống hiếu kính, yêu thương nhau và làm sáng danh Chúa trong mọi việc làm. Amen".

Thờ cúng thần linh:

Trong nhà phố, có thể bao gồm:

  • Thờ Thổ Công: Vị thần cai quản đất đai, nhà cửa, bảo vệ gia đình, chống lại các tà khí hoặc năng lượng xấu xâm nhập vào nhà.
  • Thờ Táo Quân (Thần Bếp): Cai quản bếp núc, đời sống gia đình. Ngày 23 tháng Chạp, lễ cúng ông Táo là dịp quan trọng để "báo cáo" với trời đất về những việc trong năm.
  • Ông Địa: Cai quản đất đai, mùa màng, kinh doanh; Ông Thần Tài: Mang lại tài lộc, phú quý, và sự thịnh vượng cho gia chủ, đặc biệt là những người làm kinh doanh hoặc buôn bán; Vị trí thờ tại bàn thờ Thần Tài - Thổ Địa
  • Thờ Mẫu: Đây là một nét đặc sắc của người Việt, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ hoặc Tứ Phủ, đại diện cho sự bảo trợ của Mẹ thiên nhiên.

Ban thờ Thần tài Ông Địa

Ông Địa là vị thần trông coi đất đai, nhà cửa. Do đó, nhiều gia đình lập bàn thờ Ông Địa trong nhà để cầu mong gia đình luôn gặp được may mắn, tránh được những tai ương.

Thần Tài chính là Thổ Địa công (tức Phúc Đức Chánh Thần) của người Hoa, được người Việt đã tiếp nhận và duy trì tới ngày nay.

Hai vị thần được bài trí thờ song song, đặt sát đất, phía sau lưng bàn thờ cần có vách tường để dựa vào. Hướng nhìn phải thoáng, thường theo hướng cửa chính ngôi nhà/ có thể xem cho phù hợp với mệnh của gia chủ.

Trên khám thờ cần có: tượng hai ông; bài vị Thần tài Thổ Địa; bát hương (đặt chính giữa khám, không nên xê dịch); ống hương; lọ hoa (đặt bên tay phải hướng ngoài vào); bát nước rắc cánh hoa; đĩa đựng trái cây; chóe đựng rượu; 3 chóe đựng muối, gạo và nước đầy (đặt giữa- sát hai Ông, chỉ thay 3 hũ này khi năm hết tết đến) ; linh vật (cóc ngậm tiền/ tỳ hưu/ long quy/ mèo thần tài... đặt bên tay trái hướng ngoài vào); 3 hoặc 5 chén đựng nước mới;

Có thể có thêm: bát sâm; gói thuốc lá; cây phong thủy đặt cạnh...

Các loại hoa: cúc, đồng tiền, hồng... ; trái cây nên chọn nhiều màu, tránh loại gai góc sát khí. Hoa phải luôn tươi, chén phải luôn sạch để thể hiện sự chỉn chu và thành tâm từ gia chủ.

Thắp hương hàng ngày hoặc vào các ngày trọng. Nếu có Ông cóc ngậm tiền sáng thắp hương nên quay ra rồi tối quay vào để tốt hơn về tài lộc.

Hướng đặt bàn thờ: mệnh kim hướng Đông Bắc Tây Bắc Tây Nam; Mệnh mộc hướng Tây Bắc và Đông Nam.

Các lễ nghi quan trọng trong tục thờ cúng:

Phong tục thờ cúng của người Việt luôn đi kèm với những lễ nghi trang trọng, thể hiện tấm lòng thành kính:

Bày biện lễ vật: Ngày thường theo thứ tự thay nước rồi thắp đèn và cuối cùng là thắp hương. Tùy vào dịp cúng, lễ vật có thể là hoa quả, bánh trái, mâm cơm, hoặc những món ăn mà tổ tiên yêu thích.

Thắp hương: Hương khói được xem là "nhịp cầu" kết nối giữa người dương và người âm. Thắp một nén hương là cách báo hiệu với tổ tiên hoặc thần linh rằng con cháu đang kính cẩn mời gọi.

Cúi lạy: Đây là hành động bày tỏ sự tôn kính và biết ơn. Số lần lạy thường phụ thuộc vào đối tượng được thờ: tổ tiên (2 lạy) hay thần Phật (3 lạy).

Bao sái ban thờ': Lau chùi ban thờ, thay nước, thay hoa, thay quả cúng, và đôi khi thay bát hương nếu cần thiết. Mục đích là để không gian thờ cúng luôn sạch sẽ và gọn gàng, thể hiện sự tôn trọng đối với những người đã khuất.

  • Thời gian vào ngày 14, ngày cuối tháng và ngày Thiên Xá hàng năm.
  • Thủ tục xin phép thần linh và gia tiên: Trước khi tiến hành thì người dọn dẹp ban thờ phải tắm rửa sạch sẽ, sắm lễ chu đáo rồi chọn giờ đẹp lên hương và đọc văn khấn để mà xin phép thần linh và gia tiên.
  • Sau hơn nửa tuần nhang thì mới có thể tiến hành
  • Nên lau ban thờ bằng nước bao sái hay nước hoa bưởi, không nên dùng nước lạnh hay là cồn.
  • Chú ý lau dọn từ trên cao xuống thấp, nên tiến hành lau dọn bài vị thần linh trước rồi mới tới bài vị của tổ tiên và bát hương, tránh xê dịch tôn tượng hay là bát hương.
  • Khi rút tỉa chân nhang thì các bạn nên rút từng chút một cho tới khi số lượng chân nhang trong mắt hương còn lại ứng với cả số lẻ

Mâm cúng ngày giỗ:

Lễ vật cúng ngày giỗ, dù đơn giản hay cầu kỳ, quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm của con cháu. Dưới đây là gợi ý các lễ vật cho một mâm cúng ngày giỗ đơn giản nhưng vẫn giữ được sự trang trọng:

1- Lễ vật cơ bản:

  • Trầu cau: Một cơi trầu cau, dù đơn giản, vẫn là nét đẹp truyền thống trong mâm cúng.
  • Rượu và trà: Một ly rượu và một ấm trà đặt trên bàn thờ.
  • Quả tươi:Hoa cúc, hoa huệ, hoặc hoa tươi khác; Quả tùy theo mùa, chọn 3–5 loại quả tươi ngon, sắp trên mâm ngũ quả (ví dụ: chuối, bưởi, xoài, táo, cam).
  • Một chén nước sạch.
  • Giấy tiền vàng bạc (nếu gia đình có tập tục đốt vàng mã).

2- Mâm cỗ đơn giản: Tùy theo truyền thống gia đình, bạn có thể chọn cỗ mặn hoặc chay.

Mâm cỗ mặn đơn giản:

  1. Xôi: Xôi gấc, xôi đậu xanh hoặc xôi dừa, tượng trưng cho sự no đủ.
  2. Gà luộc: Gà luộc nguyên con (nếu muốn đơn giản hơn, có thể dùng đĩa thịt gà chặt).
  3. Canh: Canh măng, canh mọc, hoặc canh rau củ.
  4. Món xào: Rau củ xào hoặc xào thập cẩm.
  5. Món mặn: Thịt kho tàu, cá kho, hoặc chả giò.

Mâm cỗ chay đơn giản:

  1. Xôi: Như mâm mặn, xôi là món không thể thiếu.
  2. Chả chay: Chả đậu hũ hoặc nem chay.
  3. Canh: Canh nấm, canh rau củ thập cẩm.
  4. Món xào: Rau củ xào chay.
  5. Đậu hũ kho: Đậu hũ kho với nấm hoặc sốt nước tương.

Một số món tượng trưng khác:

  • Bánh chưng hoặc bánh tét: Nếu ngày giỗ trùng với dịp lễ Tết.
  • Chè ngọt: Chè đậu xanh, chè trôi nước, tượng trưng cho sự ngọt ngào, may mắn.

Dù đơn giản, lễ vật vẫn sẽ đầy ý nghĩa nếu xuất phát từ lòng thành tâm và sự biết ơn đối với ông bà tổ tiên.

Tục thờ cúng tổ tiên hài hòa đến đạo Công giáo

Bạn phải phân biệt rõ muc đích:

  • Thờ Chúa (Công giáo):
    • Mục đích là để tôn thờ, chúc tụng, và cảm tạ Thiên Chúa.
    • Cầu xin ơn lành, sự hướng dẫn và ơn cứu rỗi từ Thiên Chúa. Không phải để nhận tài lộc hay may mắn trong cuộc sống đời thường.
  • Thờ cúng tổ tiên (dân gian):
    • Thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn đối với tổ tiên.
    • Cầu xin sự phù hộ độ trì trong cuộc sống, như sức khỏe, may mắn, tài lộc.
    • Tưởng nhớ, giữ gìn mối liên kết giữa các thế hệ trong gia đình.

Ban thờ Công Giáo trong Nhà phố:

Ban thờ Công giáo tại Việt Nam dành cho những gia đình theo đạo Thiên Chúa Giáo, là một biểu tượng của sự tôn kính, lòng thành kính đối với Thiên Chúa, Đức Mẹ và các thánh. Qua đó, các gia đình Công giáo tìm được sự bình an trong tâm hồn, kết nối với đức tin và duy trì sự đoàn kết, yêu thương trong gia đình.

Trước đây những người theo Thiên Chúa giáo không lập bàn thờ tổ tiên. Tuy nhiên vào ngày giỗ chạp họ vẫn cầu nguyện cho người đã khuất. Việc không có bàn thờ tổ tiên chỉ là việc chuyển đổi bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ Chúa. Kể từ năm 1968, họ được Tòa Thánh Vatican cho phép thiết lập ban thờ tổ tiên như mọi gia đình Việt Nam khác. 

Ban thờ Công giáo thường được bố trí tại một góc trong ngôi nhà hoặc trong các nhà thờ. Ban thờ gia đình có thể đơn giản hoặc trang trọng tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, nhưng đều có một số yếu tố chung:

  • Hình ảnh/Ảnh Thánh: Các bức tranh hoặc tượng của Thiên Chúa, Đức Mẹ Maria, các thánh, hoặc các thiên thần thường được đặt trên ban thờ. Các gia đình Công giáo ở Việt Nam hay thờ ảnh Đức Mẹ Maria và một số thánh mà họ đặc biệt tôn kính.
  • Nến: Một hoặc hai cây nến là biểu tượng của ánh sáng và sự hiện diện của Thiên Chúa. Nến thường được thắp sáng khi cầu nguyện.
  • Bát nhang: Có thể thắp hương (nếu gia đình có thói quen này). Lưu ý bát nhang thờ Chúabát hương thờ thần linh không nên kết hợp, để tránh sự hiểu nhầm về ý nghĩa thờ phượng trong đức tin Công giáo, và việc thờ phượng Chúa không kết hợp hay đặt ngang hàng với việc thờ thần linh hoặc bất kỳ ai khác.
  • Lọ hoa và trái cây: Một số gia đình đặt hoa tươi và trái cây trên ban thờ để tôn vinh Thiên Chúa và thể hiện lòng biết ơn.
  • Kinh thánh và sách cầu nguyện: Kinh thánh thường được đặt trên ban thờ, nơi gia đình đọc lời cầu nguyện hàng ngày.

Ban thờ Công giáo là nơi thực hiện các nghi thức tôn thờ, cầu nguyện:

  • Cầu nguyện gia đình: Gia đình Công giáo tại Việt Nam thường có thói quen cầu nguyện vào mỗi buổi sáng hoặc tối trước ban thờ, với các lời cầu xin Thiên Chúa, Đức Mẹ, và các thánh cho sức khỏe, bình an, và những điều tốt lành.
  • Các lễ trọng: Trong các dịp lễ trọng của Giáo hội như lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh, hay các lễ của Đức Mẹ và các thánh, ban thờ sẽ được trang trí đẹp mắt, thắp nến và dâng hoa quả.
  • Chúc lành: Người Công giáo cũng có thói quen thắp nến và dâng lời cầu nguyện mỗi khi gia đình có sự kiện quan trọng như sinh nhật, lễ kỷ niệm, hay cầu nguyện cho người thân đã qua đời.

Với sự phát triển của xã hội, ban thờ Công giáo cũng có sự thay đổi trong cách bài trí, nhưng vẫn giữ được tính chất linh thiêng và nghiêm trang. Ở nhiều gia đình hiện nay, ban thờ đơn giản hơn, có thể chỉ là một kệ với ảnh thánh và nến, nhưng ý nghĩa tâm linh của nó vẫn rất quan trọng, ví dụ:

  • Đặt tượng hoặc ảnh của Đức Mẹ Maria, các Thánh, và một cây nến hoặc nến đôi. Có thể để một cây thánh giá ở phía trên cùng.
  • Đặt ảnh Đức Mẹ Maria ở giữa, thánh giá ở trên hoặc phía dưới ảnh, hai cây nến ở hai bên. Có thể thêm vài vật phẩm như sách cầu nguyện, hoặc hoa tươi.

Việc kết hợp ban thờ Công giáo với ban thờ gia tiên trong một không gian là được phép, nhưng phải chú ý một só vấn đề sau:

  • Việc bài trí cần có sự phân chia rõ ràng, đồng thời tránh sự lộn xộn để tạo ra một không gian thờ cúng thanh tịnh, vừa giữ được nét văn hóa gia tiên, vừa thể hiện lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và các Thánh. Ban thờ Công giáo mang tính thiêng liêng, không được quá xâm phạm vào các lễ vật gia tiên, và ngược lại, bạn cũng cần tránh việc quá lấn lướt tín ngưỡng Công giáo khi bài trí ban thờ gia tiên.
  • Ban thờ gia tiên phải thấp hơn so với ban thờ Thiên Chúa.

Thánh hóa khi lập mới ban thờ Công giáo:

Mời linh mục làm phép bàn thờ: Việc làm phép bàn thờ mới nên do một linh mục thực hiện, để thánh hóa bàn thờ và không gian thờ phượng trong gia đình. Bạn có thể liên hệ với linh mục quản xứ để sắp xếp thời gian thích hợp.

Nghi thức làm phép: Linh mục sẽ đọc các lời nguyện thánh hóa và rảy nước thánh lên bàn thờ. Các thành viên trong gia đình cùng tham dự, thắp nến và cầu nguyện chung.

Lời cầu nguyện cá nhân (nếu không có linh mục):

Nếu không có điều kiện mời linh mục, bạn có thể tự thực hiện nghi thức đơn giản với lòng thành:

  • Thắp nến và cầu nguyện với Chúa: "Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con xin dâng không gian thờ phượng này lên Ngài. Xin Chúa thánh hóa và ngự trị nơi đây, để gia đình chúng con luôn sống trong ơn nghĩa và bình an của Ngài. Amen."
  • Rảy nước thánh lên bàn thờ và các vật phẩm.
  • Gia đình nên cùng nhau đọc các kinh nguyện cơ bản, như: Kinh Lạy Cha; Kinh Kính Mừng; Kinh Sáng Danh- Ý nguyện cầu xin Chúa hiện diện trong gia đình, ban bình an, tình yêu và sự hướng dẫn, xin ơn thánh hóa cho các thành viên trong gia đình.

Văn khấn nhân mùng 1, hôm Rằm:

Trong đạo Công giáo, việc thờ phượng và tôn kính Chúa được đặt lên hàng đầu và tuyệt đối. Việc thắp hương hoặc bày tỏ sự kính nhớ đối với gia tiên hay các thần linh (thổ công, thần linh…) không được xem là hành vi thờ phượng, mà là một cách biểu hiện lòng hiếu thảo, kính trọng đối với tổ tiên và sự tôn trọng văn hóa truyền thống. Khi thắp hương, tâm trí hãy luôn hướng về Chúa, không đặt niềm tin nơi thần linh như nguồn trợ giúp ngang hàng hay thay thế Chúa. Bạn có thể tham khảo cách khấn đơn giản sau:

  • Dành riêng phần cầu nguyện cho Chúa, trước khi làm bất kỳ nghi thức nào: "Lạy Chúa, con xin dâng mọi việc làm hôm nay lên Chúa. Xin Chúa thánh hóa và hướng dẫn để con sống đẹp lòng Chúa trong mọi việc con làm."
  • Nếu cần nhắc đến các thần linh (với ý thức kính trọng và sự tôn trọng văn hóa truyền thống): "Con xin kính lạy các thần linh cai quản nơi đây. Xin các ngài giữ gìn và bảo vệ gia đình chúng con, để chúng con luôn sống an lành và phụng sự Chúa cách trọn vẹn."
  • Khấn gia tiên (với ý thức tôn trọng, không thờ phượng): "Con kính lạy tổ tiên ông bà, các bậc sinh thành đã đi trước... Con xin thắp nén hương này để tỏ lòng hiếu kính và nhớ ơn công lao dưỡng dục. Xin ông bà phù hộ cho con cháu sống ngay lành, biết yêu thương và làm đẹp lòng Thiên Chúa."
Trong phong tục dân gian, việc cảm tạ sau khi khấn và hạ lễ không phải là điều bắt buộc, nhưng là một hành động đẹp, thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với các đấng thần linh hoặc gia tiên. Điều này phụ thuộc vào lòng thành và tập tục riêng của từng gia đình. Sau khi hạ lễ, bạn có thể thắp thêm một nén hương (nếu muốn) và nói vài lời cảm tạ như:
  • "Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa đã luôn che chở và ban ơn lành cho gia đình con. Xin Chúa tiếp tục gìn giữ và hướng dẫn chúng con trong cuộc sống."
  • "Con xin cảm tạ các vị thần linh, cảm tạ gia tiên, ông bà... đã chứng giám lòng thành của gia đình con. Xin tiếp tục phù hộ độ trì cho gia đình con luôn mạnh khỏe, bình an."

Việc bạn giữ lòng kính Chúa trên hết và tôn trọng gia phong là một điều đáng quý. Hãy làm mọi việc với ý hướng tốt lành và sự bình an trong Chúa.

Văn khấn ngày giỗ ông bà, tổ tiên:

Việc thắp hương, tưởng nhớ, và thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên được xem là hành vi hiếu thảo và phù hợp với đức tin Công giáo, miễn là: Không xem tổ tiên là đối tượng thờ phượng ngang hàng với Thiên Chúa; Không thực hiện các nghi thức mang tính mê tín dị đoan.

Mở đầu:

  • "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen."
  • "Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành Chúa đã ban xuống cho gia đình chúng con. Hôm nay, trong ngày giỗ của (tên người đã khuất), chúng con quy tụ nơi đây để cầu nguyện cho linh hồn của (ông/bà/bố/mẹ...)."

Lời cầu nguyện cho linh hồn: "Xin Chúa thương xót và tha thứ mọi lỗi lầm mà linh hồn (tên người) đã phạm khi còn sống. Xin đưa linh hồn (ông/bà...) vào hưởng nhan thánh Chúa nơi nước trời. Chúng con cũng cầu xin Chúa ban sự bình an và niềm hy vọng cho những người thân còn đang sống, để họ luôn biết phó thác mọi sự trong tay Chúa."

Lời cầu nguyện cho gia đình: "Xin Chúa ban ơn lành và che chở cho gia đình chúng con. Xin dạy chúng con biết yêu thương nhau, sống công chính và làm sáng danh Chúa trong cuộc sống hằng ngày."

Kết thúc: "Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen."

Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng, và một kinh Sáng Danh.

Khấn cho người ngoài đạo:

Nếu ông bà tổ tiên của bạn không theo đạo Công giáo, nhưng bạn là người Công giáo, việc bạn cầu nguyện theo cách của đạo mình vẫn hoàn toàn phù hợp. Trong đức tin Công giáo, Thiên Chúa là nguồn cội của mọi sự sống, Ngài luôn yêu thương tất cả mọi người, dù họ có thuộc về đạo Công giáo hay không. Khi cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên, bạn không chỉ bày tỏ lòng hiếu kính mà còn thể hiện hy vọng họ được an nghỉ trong sự bình an của Thiên Chúa.

Nếu gia đình hoặc những người thân không theo đạo chưa hiểu rõ, hãy giải thích với họ rằng việc cầu nguyện là để xin Chúa ban ơn lành cho tổ tiên, và điều đó xuất phát từ tình yêu thương chứ không phải thay đổi hay áp đặt niềm tin.

Bạn có thể sử dụng bài cầu nguyện tương tự như đã đề cập ở trên, nhưng thêm một số lời riêng để phù hợp với hoàn cảnh:

"Chúng con xin phó dâng linh hồn của (tên người) trong bàn tay yêu thương của Chúa. Dù ông/bà/tổ tiên chúng con không nhận biết Chúa khi còn sống, nhưng chúng con tin rằng lòng thương xót của Ngài vô biên và Ngài luôn chờ đợi tất cả con cái trở về với Ngài. Xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm và cho ông/bà được nghỉ yên muôn đời."

Văn cúng Phật:

Xin Phật: "Chúng con xin Thần Phật ban cho chúng con được đủ sức đủ tình thương để có thể cống hiến cho quốc gia, tạo phúc cho muôn nhà, báo đáp cho xã hội, làm lợi cho nhân viên. Chúng con cầu khấn Thần Phật, xin hãy ban cho chúng con cơ hội giúp chúng con có thể thực hiện chí nguyện cao cả, thực hiện thành công những lý tưởng tốt đẹp của mình".

Tuyệt đối không nhắc đến tiền tài (Đừng bao giờ tiếp cận trực tiếp với những thứ bạn mong muốn, nó sai lầm vì nó là sự thiên vị, nó sẽ mang đến HỌA), không xin phúc lộc cho những lợi ích cá nhân, phúc gắn liền với CHO ĐI, những thứ hữu ích cho xã hội đồng bào- để được PHÚC BÁO. Chữ Phúc nguyên bản thể hiện hành động Hai tay nâng ly rượu dâng lên dàn tế lễ, không phải là đòi hỏi, mà là DÂNG HIẾN. Thắp hương cầu phúc là để tỏ lòng thành kính Phật, lễ Phật, biết ơn Phật đã khai sáng con đường, chứ không hề có bất kể sự đòi hỏi xin ban nào cả. Xin chỉ là xin cống hiến mà thôi.

Bàn thờ Vọng

Bàn thờ vọng là một trong các loại bàn thờ trong nhà mà chỉ dành chủ yếu cho những người ở xa quê, ít có điều kiện trở về nhà trong các dịp giỗ, lễ, tết nhưng muốn hướng về ông bà, tổ tiên. Trước đây, bàn thờ vọng k được sử dụng nhiều bởi đa số đều sống và sinh cơ lập nghiệp ngay tại quê hương, chỉ có một số trường hợp đặc biệt gọi là biệt quán, ly hương.

Những người có mong muốn lập bàn thờ vọng phải trực tiếp về quê để báo cáo với ông bà, tổ tiên tại bàn thờ chính, xin phép chuyển một vài lư hương phụ hoặc một vài nén nhang đang cháy dở đến bàn thờ vọng để thắp tiếp. Nếu có điều kiện, vào các dịp lớn, gia chủ nên về quê cúng trực tiếp để giữ mối liên kết với bàn thờ chính.

Bàn thờ vọng nên được đặt ở một phòng riêng biệt để tăng vẻ tôn nghiêm. Nếu gia đình không có điều kiện để đặt ở phòng riêng thì có thể đặt tại phòng khách. Tuy nhiên bàn thờ Vọng phải được đặt cao hơn chỗ tiếp khách. Nên hướng bàn thờ về hướng quê để gia chủ vái lạy được thuận hướng.

Tục thờ cúng người mới mất

1. Người mới mất:

Ngoài thủ tục làm Khai tử (Gia đình cần đến Ủy ban nhân dân cấp xã/phường nơi người mất cư trú để làm thủ tục khai tử. Cần mang theo các giấy tờ sau: Giấy chứng tử (do bệnh viện hoặc cơ quan y tế cấp). Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người mất. Sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Giấy tờ tùy thân của người đi làm thủ tục.) còn các lễ nghi sau:

  1. Lễ mộc dục: tắm gội cho người chết.
  2. Lễ phạn hàm: Mang theo gạo tiền.
  3. Lễ khâm liệm nhập quan: chuyển thi hài người chết từ giường người chết đangnằm vào quan tài.
  4. Lễ chiêu hồn: khi tổ chức làm lễ nhập quan thì người thân (con trai, cha, anh, em) cầm áo của người chết trèo lên nóc nhà, chọn chỗ cao nhất giơ áo lên, gọi tên người chết 3 lần: "Ba hồn bảy vía của ông (anh, con,…) ...ở đâu thì về".
  5. Lễ thiết linh: lập bàn thờ tang.
  6. Lễ thành phục: Lễ Thành phục là con cháu mặc đồ tang để cúng tế và sau đó đáp lễ khi khách đến viếng. Sau lễ thành phục mới chính thức phát tang. Sau đó bạn bè, thân hữu xa gần mới đến phúng viếng.
  7. Lễ viếng.
  8. Điếu văn.
  9. Lễ chiêu điện, tịch điện (sớm, tối).
  10.  Văn cáo đào huyệt.
  11.  Lễ an táng- bao gồm: lễ cúng trước khi di quan; lễ truy điệu của Ban lễ tang thay mặt chính quền; di quan; hạ huyệt.
  12. Lễ ba ngày (Lễ tế ngu).
  13. Lễ tuần 49 và 100 ngày.
  14. Giỗ đầu (Tiểu tường).
  15. Giỗ hết tang năm 2 (Đại tường).
  16. Cải táng.

Thông tin chi tiết tham khảo tại đây.

2. Thời gian lập ban thờ:

Lập ban thờ cho người mới mất không chỉ là một hành động tôn kính, mà còn là cách để gia đình thể hiện lòng hiếu thảo, nhớ ơn người đã khuất. Đối với người Việt, việc này còn mang ý nghĩa gắn kết các thế hệ trong gia đình, giúp người sống luôn nhớ về cội nguồn, đồng thời là niềm tin vào sự bảo vệ của tổ tiên.

  • Ngay sau khi người mất: Trong những ngày đầu tiên sau khi người mất, gia đình thường lập một ban thờ đơn giản, ngay trong phòng của người mất hoặc tại một nơi trang trọng trong gia đình như phòng khách.
  • Lập ban thờ chính thức: Sau khi lo xong việc tang lễ, gia đình sẽ lập ban thờ riêng chính thức và bày biện mâm cúng cho người quá cố. Sau 3 năm thì mới được rước lên bàn thờ tổ tiên.

3. Vật phẩm trên ban thờ:

Người mới mất không cần bày trí quá cầu kỳ chỉ cần: một bát hương đồng, bài vị (hoặc ảnh), lọ hoa, chén nước, ngọn đèn…hoặc:

  • Di ảnh hoặc di vật của người quá cố và Bát hương.
  • Nến: Một hoặc hai cây nến thường được đặt ở hai bên của ban thờ để tượng trưng cho ánh sáng linh thiêng và sự hiện diện của người đã mất.
  • Mâm cúng: Mâm cúng thường được chuẩn bị đầy đủ với các lễ vật như trái cây, hoa tươi, rượu, trà, cơm, xôi, bánh trái… Mâm cúng thể hiện sự hiếu kính và lòng biết ơn đối với người đã khuất.
  • Bình hoa tươi: Đặt trên ban thờ để tượng trưng cho sự sống, sự tươi mới và cũng là một cách thể hiện lòng thành kính.
  • Thần tài hoặc thánh thượng: Trong một số gia đình, nếu người quá cố có niềm tin vào thần thánh hay đã từng thờ cúng, người ta cũng có thể đặt các tượng thần thánh để cầu mong sự bảo vệ cho linh hồn người mất.

4. Lễ cúng người mới mất:

  • Thờ cúng trong ba ngày đầu: Trong ba ngày đầu sau khi người mất, gia đình sẽ tổ chức các nghi thức cúng như cúng bái mỗi ngày (cúng sáng và cúng tối), thường vào giờ cúng (3 giờ sáng hoặc 7 giờ tối),
  • Lễ cúng ban đầu: Ông cha ta tin rằng, trong vòng 49 ngày đầu mới mất họ sẽ còn quyến luyến người thân nên vẫn còn luẩn quẩn quanh nhà. Vì vậy mà trong 49 ngày này, hàng ngày đều phải thắp hương, cơm, canh trước khi gia đình ăn để người mới mất được thụ hưởng
  • Lễ cúng 49 ngày: Sau 49 ngày, gia đình sẽ tổ chức lễ cúng đặc biệt gọi là "Lễ hóa giải" hoặc "Lễ tiễn đưa". Đây là thời gian được cho là linh hồn người mất đã được siêu thoát và có thể đi đầu thai. Các nghi thức và mâm cúng trong lễ này có thể rất phong phú, tùy thuộc vào từng gia đình.
  • Cúng ngày giỗ: Hàng năm, gia đình tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ người đã mất. Ban thờ vẫn giữ nguyên hoặc được trang trí thêm vào những dịp này, với mâm cơm, hoa quả, đèn nến, và các lễ vật khác.

5. phân công công việc trong một ban lễ tang:

  1. Trưởng ban lễ tang: Chỉ đạo chung, giám sát toàn bộ quá trình tổ chức tang lễ. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban. Giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức. Đọc và viết điếu văn và lời cảm ơn.
  2. Phó ban lễ tang: Hỗ trợ trưởng ban trong việc điều hành. Thay mặt trưởng ban giải quyết công việc khi cần thiết. Theo dõi tiến độ các hạng mục công việc. Xếp hoa cho trang trọng. Thuê thày thuê thợ. Thủ tục báo tử. Lo nơi chôn cất/hỏa táng. 
  3. Ban hậu cần: Chuẩn bị địa điểm tổ chức tang lễ (nhà tang lễ, nhà riêng, hoặc địa điểm khác). Chuẩn bị ban thờ. Sắp xếp bàn ghế, lều bạt, điện nước, âm thanh, ánh sáng, khay để đồ lễ (trầu, cau, hương), phong bao/phong bì. Ghi tên đoàn viếng. Người thắp và đưa hương cho đoàn viếng. Chuẩn bị đồ ăn, nước uống cho khách viếng. Quản lý và phân phối đồ tang (khăn tang, áo tang, vòng hoa, v.v.).
  4. Ban tiếp khách: Đón tiếp khách viếng, hướng dẫn khách vào viếng và ghi sổ tang. Phát khăn tang, hoa cài áo cho khách. Sắp xếp chỗ ngồi, hướng dẫn khách tham dự các nghi thức.
  5. Ban lễ nghi: Chuẩn bị và thực hiện các nghi lễ theo phong tục (lễ phát tang, lễ nhập quan, lễ động quan, v.v.). Hướng dẫn gia đình và khách tham dự thực hiện đúng nghi thức. Chuẩn bị đồ cúng, bài văn khấn, nhang đèn, và các vật phẩm cần thiết.
  6. Ban vận chuyển: Sắp xếp phương tiện đưa đón khách (nếu cần). Tổ chức đoàn di quan (đưa tang) từ nhà đến nơi an táng hoặc hỏa táng. Đảm bảo an toàn và trật tự trong quá trình di chuyển.
  7. Ban tài chính: Quản lý ngân sách, chi tiêu trong quá trình tổ chức tang lễ. Ghi chép các khoản đóng góp từ người thân, bạn bè. Báo cáo chi tiêu cho gia đình sau khi tang lễ kết thúc.
  8. Ban an ninh: Đảm bảo trật tự, an ninh trong suốt quá trình tang lễ. Trông xe. Hướng dẫn giao thông, tránh ùn tắc (nếu tang lễ lớn). Giám sát tài sản, tránh thất lạc đồ đạc.
  9. Ban hậu sự: Hỗ trợ gia đình trong việc chăm sóc người mất (thay đồ, vệ sinh, v.v.). Chuẩn bị quan tài, đồ tùy táng (nếu có). Hỗ trợ gia đình trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (khai tử, giấy tờ liên quan).
  10. Ban thông tin: Thông báo tin buồn đến người thân, bạn bè. Đăng thông báo trên báo đài, mạng xã hội (nếu cần). Cập nhật thông tin về thời gian, địa điểm tổ chức tang lễ.
  11. Dự phòng: Chuẩn bị sẵn một vài người hỗ trợ những việc đột xuất, những khâu quá tải hoặc để thay thế nếu có thành viên vắng mặt.

6. Đoạn viết gắn với cáo phó:

"Vô cùng thương tiếc báo tin:
Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn thông báo: [Họ và tên người mất] (sinh năm [năm sinh], tại [quê quán]) đã từ trần vào hồi [giờ] ngày [ngày/tháng/năm], hưởng thọ [tuổi].

Lễ viếng sẽ được tổ chức từ [giờ] ngày [ngày/tháng/năm] đến [giờ] ngày [ngày/tháng/năm] tại [địa điểm tổ chức tang lễ].
Lễ động quan sẽ diễn ra vào hồi [giờ] ngày [ngày/tháng/năm], sau đó đưa tang đến [nơi an táng/hỏa táng].

Cáo phó này mang ý nghĩa thông báo tới bà con, bạn bè, người thân gần xa. Nếu ở gần và có điều kiện, kính mời quý vị đến viếng thăm và tiễn đưa [ông/bà/cô/chú...] về nơi an nghỉ cuối cùng.
Gia đình vô cùng biết ơn và đón nhận mọi sự chia buồn, thương tiếc từ quý vị."**

7. Điếu văn:

Điếu văn là một bài văn được đọc trong tang lễ nhằm bày tỏ lòng tiếc thương, tưởng nhớ và ghi nhận công lao, đức độ của người đã khuất, đọc trước quan tài của người mất, trước khi tiến hành nghi thức cuối cùng như động quan hoặc an táng.

Nội dung chính của điếu văn:

  1. Lời mở đầu: Thông báo về sự ra đi của người mất và bày tỏ sự đau buồn của gia đình, người thân.
  2. Tiểu sử và công lao: Kể lại cuộc đời, sự nghiệp, đức độ và những đóng góp của người mất đối với gia đình, xã hội.
  3. Lời tiễn biệt: Bày tỏ lòng tiếc thương, sự mất mát to lớn và lời hứa tiếp tục phát huy những giá trị mà người mất để lại.
  4. Lời kết: Cầu mong người mất được an nghỉ và bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hiện diện của mọi người trong tang lễ.

8. Một số câu hỏi liên quan:

Ý nghĩa của chén cơm quả trứng?  bát cơm là để cầu cho người mất đó đi trong no đủ. Trứng gà luộc tượng trưng cho âm dương: lòng trắng là dương lòng đỏ là âm. Ý muốn nói người này mới vừa mất đã thành người âm nhưng mà chưa đi chôn vẫn còn ở cõi dương. Giờ người mất xong mất ở trong bệnh viện rồi họ đưa xuống nhà xác thì không cần.

Cúng cơm cho người đã mất bao nhiêu là đủ để người đó không bị đói? Thực ra vô lượng cúng bao nhiêu cũng sao đủ được. Phải hiểu được đạo lý rằng: Nhang không cần thấp nhiều, một nén tâm thành cũng đủ. Cơm nước không cần ê hề, bằng Tâm thành một chút cũng đủ. Bởi vì lúc đó mình chuyển lương thực bằng Tâm.

Cách cúng trong 49 ngày đơn giản mà ý nghĩa:

  • Chỗ má vẫn ngồi ăn cơm thì mỗi ngày cũng làm chén cơm kịp thì trưa chiều gì cũng được hết, ăn chung với mình  ngồi chơi, thí dụ như chỗ nào mà giờ mình ăn cơm chén cơm với miếng đồ chay không cần nhiều. Để cho má trong bốn mươi chín ngày cúng như ở đó rồi sau bốn mươi chín ngày rồi thì dừng.
  • Cúng chay thôi, kể cả sau này cũng giỗ. Thật sự  người mất không có hưởng bao nhiêu, đó chẳng qua là cái tấm lòng nhớ nghĩ của con cháu.  Việc cúng chay cũng là tạo phước cho người mất, vì không có vì người mất mà mình hại sinh mạng con này con kia.

9. Lưu ý:

  • Ngay khi linh hồn rời khỏi thể xác, Tuyệt đối tránh gây ồn ào, càng không nên khóc lóc lay gọi. Việc đó sẽ làm cho người chết đau đớn hay sa vào Ngạ quỷ súc sanh hoặc vào địa ngục. Chỉ nên niệm Phật và máy niệm Phật trợ lực để người chết về được cỏi lành. Chi tiết xem thêm tại đây.
  • Một số việc nên làm giúp linh hồn người chết sớm siêu thoát: hỗ trợ (tha thứ, an ủi, hoàn thành di nguyện khi sắp lâm chung); cho tặng, làm việc thiện; niệm kinh, niệm danh hiệu Phật; hồi hướng công đức (đem công đức của người thân, gia đình để hướng về người đã khuất).
  • Tùy theo vùng miền và tôn giáo, các nghi lễ có thể có sự khác biệt. Gia đình nên tham khảo ý kiến của người lớn tuổi hoặc các chuyên gia tâm linh để thực hiện đúng theo phong tục.
  • Sau tang lễ, bạn có thể cần phải làm những việc sau:
    • liên hệ với công ty bảo hiểm nhân thọ, nếu có
    • làm hồ sơ xin hưởng tiền trợ cấp chế độ tử tuất (Canada Pension Death Benefit and Survivor's Benefit)
    • thông tin cho ngân hàng, liên hiệp tín dụng, các công ty đầu tư và các đơn vị tín dụng khác nếu có
  • Lúc linh cữu đưa ra khỏi nhà và lúc hạ huyệt phải xem giờ: là biểu hiện của sự mê tín lạc hậu sống trong tưởng thức. Là biểu hiện riêng của văn hóa Trung Hoa với đủ loại thày bùa nhưng cũng không thoát khỏi đạo trời. Với Đạo Phật không có chuyện xem giờ mà chỉ có luật Nhân- Quả. Cứ làm sớm tránh mất vệ sinh.

Nhata.net hy vọng các thông tin trong bài viết Tục thờ cúng của người Việt: Nét đẹp tâm linh có ích cho bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *