Nếu cho tôi chọn một phong cách duy nhất cho ngôi nhà tương lai của mình, thì dứt khoát với tôi đó là phong cách JAPANDI.
Tên gọi JAPANDI đó là sự lai ghép của Japanese và phong cách SCANDINAVIAN. Mỗi phong cách đều bao hàm ý nghĩa nó đến từ đâu, từ lối sống của người mang phong cách đó. Và ý nghĩa đến từ triết lý mà phong cách đó truyền tải cho chúng ta.
Chúng ta đều biết Nhật Bản là một quốc gia có những lối sống, món ăn, tinh thần, quan điểm sống… rất riêng. Phong cách Nhật ấn tượng đến mức nó có tầm ảnh hưởng đến tất cả các châu lục. Đó là phong cách MINIMALIST- gắn với lối sống tối giản, hay phong cách WABI SABI- gắn với lối sống yêu thương và trân trọng những điều không hoàn hảo, những điều mang màu sắc của quá khứ, hay phong cách ZEN STYLE- mang hơi thở của thiền vào trong cuộc sống hàng ngày. Cách sống đó làm cho chúng ta cảm giác rất thư giãn rất tận hưởng, thấy mình được nhận về những giá trị đích thực của cuộc sống, hàng ngày.
Còn đến từ Bắc Âu, mùa đông có thể đến 6 tháng trong năm không nhìn thấy mặt trời, lạnh giá đầy tuyết trắng. Họ đặc trưng với những phong cách sống như SISU của Phần Lan- vượt qua mọi nghịch cảnh, LAGOM của người Thụy Điển- biết đủ là tự do, là lối sống cảm giác vừa đủ khiến cho chúng ta cảm thấy rất thư giãn và trân trọng mọi điều đến với mình, là phong cách HYGGE rất nổi tiếng của người Đan Mạch Đó- hạnh phúc thư giãn đến từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, diễn ra hàng ngày. Những lối sống đó tạo nên phong cách SCANDINAVIAN, với một không gian thoáng đãng tràn ngập ánh sáng. Đồ đạc thì rất thanh mảnh gọn gàng và ngăn nắp. Không gian nhiều cây xanh giúp cho cảm giác kết nối với thiên nhiên, từ đó cho chúng ta một công cuộc sống thật sự thoải mái.
Hai phong cách từ hai vùng địa lý rất xa xôi, nhưng phong cách sống tự có nhiều điểm chung. Chúng đều hướng đến sự trải nghiệm của con người với cái gì đó rất thiên nhiên, rất cốt lõi của đời sống hàng ngày.
Sự kết hợp của hai phong cách, bắt đầu vào thời kỳ mở cửa của đất nước Nhật Bản năm 1868, thời kỳ Minh Trị đã quyết định tiếp cận thúc đẩy giao thương buôn bán hội nhập với các quốc gia phương tây. Kết quả Nhật Bản đã trở thành một quốc gia phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, tiếp thu rất nhiều tinh hoa từ khoa học đến kỹ thuật, đến nghệ thuật. Nhân tiện thì mách để bạn biết rằng món ăn Sashimi cá hồi hay là sushi cá hồi cũng xuất hiện từ giai đoạn này, từ văn hóa của người Hà Lan.
Trong lĩnh vực bài trí trang trí kiến trúc và nội thất thì dần tạo thành một cái phong cách mới hoàn toàn mang tên là JAPANDI.
Phong cách kết hợp được các nét chung đáng quý: hướng đến lối sống đó là sự chữa lành đến từ thiên nhiên, đó là không gian thì thoáng đãng nhẹ nhàng, đường nét thì thanh mảnh , rồi đồ vật thì rất là đơn giản gọn gàng và ngăn nắp cảm giác rất là dễ gần dễ sử dụng khi tính công năng được chú trọng lên hàng đầu. Từ đó tạo ra cho chúng ta những khoảng trống trong tâm trí để cho chúng ta có thể chiêm nghiệm có thể lắng đọng, làm cho chúng ta refresh.
Sau đây nhata.net tóm lược lại một cách đơn giản thôi có bốn cái Keyword để dễ thực hiện:
Sự tối giản: sự tối giản là tôn chỉ của phong cách. Tuy nhiên nó không phải là quá trống trải giống như phong cách MINIMALIST , mà là một sự gọn gàng ngăn nắp với sự sắp đặt một cách khoa học.
Tiếp theo sự tối giản được thể hiện trong bảng màu/ tone màu. Sẽ không trắng tuyết như SCANDINAVIAN. Đó là sử dụng nhiều chất liệu gỗ ấm, sử dụng nhiều tone màu của đất, và sử dụng nền là tone màu trung tính nhưng có hơi hướng ấm, và từ đó chúng ta sẽ có một phiên bản là WARM SCANDINAVIAN, chúng ta sẽ thấy nó là một cái gì đó ấm áp thấy gần gũi hơn.
Sự tối giản còn thể hiện trong việc chúng ta lựa chọn đồ nội thất theo phong cách Bắc Âu thanh mảnh, gọn gàng và ngăn nắp/ hay là phong cách của người Nhật là những chất liệu đến từ thiên nhiên, những thứ gần gũi mộc mạc đối với mỗi chúng ta. Bạn có thể tham khảo những sản phẩm đến từ những thương hiệu như JYSK của phong cách Bắc Âu, hay những cái sản phẩm đồ gỗ như bộ bàn ăn thanh mảnh của phong cách Nhật.
Sự tối giản ở đây khác với MINIMALIST, khi mà ở đó chúng ta phải cân nhắc từng món đồ, một cách phải có chủ đích rõ ràng, nó phải liên quan đến một lối sống. Hay khác với DANSHARI- là một sự lược bỏ, là sự giảm thiểu Nhu cầu, là sự tối ưu hóa trong tổ chức cuộc sống hàng ngày, lối sống tối giản. Nó sẽ không có những cái chú trọng đến yếu tố trang trí, như là kệ trang trí, tủ trưng bày. Nó ưu tiên hơn cả một sự trống trải, càng trống càng làm cho cái khoảng không trong MINIMALIST đạt ý hơn.
Ở JAPANDI, nó như là một NEW MINIMALIST. Nó cũng cho phép tính đến các yếu tố mang tính chất decor để thể hiện được dấu ấn cá nhân. Chú trọng sản phẩm mang tính chất handmade, khi chúng ta đi đâu đó, chúng ta cùng nhau làm. Hay nhớ tới cái cách sống HYGGE của người Đan Mạch khi tự tay mình chuẩn bị bữa sáng, tự tay mình làm ra món đồ nhỏ, lau chùi chúng bằng tay… thì chúng ta sẽ cảm giác rất thư giãn. Hay cách sống của người Nhật khi mang vào trong cái ngôi nhà JAPANDI những sản phẩm nhuốm màu thời gian Đó là những đồ vật kỷ niệm từ những cái thời thơ bé hay là gắn bó với một cái quãng thời gian nào đó của gia đình… khéo léo trang trí tạo thành điểm nhấn rất là thú vị. Tuy nhiên không nên quá rườm rà, không quá màu sắc, mà mọi thứ phải tuân thủ quy tắc của điểm nhấn. Những chất liệu mang tone màu của gỗ, tone màu của đất tạo ra cho chúng ta cảm giác thoải mái hơn rất nhiều, mà không hề bị bám víu vào một cái sự tối giản đến triệt để giống như MINIMALIST .
Tiếp theo của phong cách JAPANDI đó chính là Yếu tố tự nhiên. Sự tự nhiên nó sẽ đến từ sự kết nối không gian bên trong nhà và bên ngoài nhà nhiều nhất có thể, thông qua những lớp kính hay những giếng trời để tạo cảm giác chiếu sáng và thông gió được tối ưu nhất.
Để có một JAPANDI đích thực, phải lưu ý những giếng trời, những ô cửa những mảng kính lớn là những cái yếu tố phải có ngay từ trong thiết kế kiến trúc. Đặc biệt là nhà Việt Nam phổ biến là dạng nhà ống nhà liền kề, làm cho chúng ta cảm giác rất khó để được kết nối với thiên nhiên. Để khắc phục chúng ta phải linh hoạt từ mặt tiền cho đến giếng trời. Giếng trời là cách để cho chúng ta cảm giác được điều hòa thông gió tự nhiên, bước vào một ngôi nhà không còn có cảm giác bí bách, thay vào đó là sự thông thoáng mát lành. Giếng trời nên được bố trí ngay cả trong nhà biệt thự, giúp cho những không gian bên dưới như toilet... cũng được kết nối với Ánh sáng tự nhiên. Hay là thậm chí ngay trong phòng ngủ Master cũng có thể tạo ra một điểm nhấn để mang cái cây xanh vào trong. Giếng trời đó là một cách giúp cho chúng ta kết nối tuyệt vời với không gian bên ngoài.
Rồi về ánh sáng thì chúng ta phải làm sao sử dụng chất liệu để cho cảm giác nó gần gũi với bên ngoài, từ những lớp kính hay những lớp vải voan… Những chất liệu bên trong mà chúng ta sờ chạm hàng ngày đều phải mang tính chất kết nối với thiên nhiên. Những chất liệu để làm nên sản phẩm nội thất được coi trọng hơn cả là những chất liệu mang tính chất tại địa phương. Ví dụ như Việt Nam chúng ta thì phần gỗ sẽ có gỗ cao su, bạch đàn hay là Thông.
Một yếu tố nữa để tạo ra thiên nhiên trong môi trường JAPANDI đó chính là cây xanh. Cây xanh làm cho chúng ta cảm giác rất mát lành mỗi khi trở về và nó cũng thể hiện đó là một ngôi nhà là LUÔN ĐƯỢC CHĂM SÓC. Bạn nghĩ sao khi một cái cây bạn hàng ngày chăm sóc nó, từ khi còn nhỏ lên, rồi nó tự dưng bỗng một ngày thức dậy nó trổ bông ra, thật tuyệt vời phải không? Cây xanh sẽ đến từ những cái chậu cây đơn giản ở trong nhà hay là những cây bonsai nhỏ, hoặc là từ nghệ thuật cắm cây cảnh IKEBANA (hoa đạo) rất được yêu thích trong thời gian gần đây.
Thứ nữa là những sản phẩm nội thất trong phong cách JAPANDI là những cái sản phẩm đơn giản mà chú trọng công năng. Khi chạm vào chúng ta sẽ phải cảm nhận được sự êm ái, thoáng khí, thư giãn. Các sản phẩm có thể mang đặc trưng của Bắc Âu hay đặc trưng của Nhật Bản, với những chiếc ghế thấp, những cái bản thấp chúng ta ngồi bệt xuống Thảm. Hay là chúng ta ngồi trên một chiếc chiếu tatami đi chẳng hạn, thì nó cũng là một cách vận dụng khéo léo để đưa vào trong phong cách JAPANDI.
Tiếp theo đó là Tính bền vững. Đây là một đặc trưng cho chúng ta cảm giác rất tự hào vì nó khác biệt với những phong cách khác. Nó đến từ những sản phẩm chất lượng cao và có tính TIMELESS, không bị lỗi thời theo thời gian. Sử dụng nó thấy rất yên tâm không cần phải lo lắng đến độ bền, đến bao lâu nữa phải bảo trì bảo hành, hay là cái này nó có lỗi mode theo thời gian hay không, người khác nhìn vào có thấy nó bị quê hay không… thì tất cả những cái cảm giác đó nó sẽ không có trong phong cách JAPANDI. Sự bền vững còn phải nghĩ đến tác động của nó với môi trường xung quanh. Bạn nên tham khảo sử dụng gỗ công nghiệp, hiện đã rất đa dạng về mẫu mã- quy cách và màu sắc, khiến sử dụng rất linh hoạt. Đông thời, gỗ công nghiệp lại có nguồn gốc là gỗ rừng trồng ngắn ngày, chúng ta khai thác và liên tục trồng mới làm cho môi trường vẫn đảm bảo được Phủ xanh, không ảnh hưởng tới rừng nguyên sinh, một yếu tố bền vững mà có lẽ là toàn thế giới này đang rất là quan tâm. Một cái tính bền vững nữa trong phong cách này, đó là cái cách bài trí trang trí ưu tiên lựa chọn những món đồ handmade, sản phẩm tự làm ra để trang trí cho ngôi nhà mình. Chúng gắn bó với những kỷ niệm, gắn bó với những khoảnh khắc cùng nhau làm hay là những chuyến đi xa, những chuyến về với thiên nhiên. Rồi những món đồ Souvenir khiến chúng ta hồi tưởng lại mỗi khi ngắm nhìn. Hay là những cái đồ mà mang tính chất nhiều WABI SABI, tức là những đồ vật đã có thể là hư, chúng ta thay vì việc vứt bỏ chúng, ta sẽ tái sử dụng nó bằng một cái công năng khác. Nó sẽ là một dấu ấn rất là thú vị khi và chúng ta gián tiếp gia tăng được vòng đời sử dụng của những sản phẩm đó.
Đặc trưng cuối cùng đó là Sự thoải mái. Các bạn hình dung sống trong một ngôi nhà JAPANDI thì sẽ cảm giác như thế nào: Đầu tiên nó sẽ là một không gian Open và chúng ta sẽ đón rất là nhiều ánh sáng và gió tự nhiên. Trong những ngày hè chúng ta đã cảm giác rất là mát mẻ. Rồi tiếp nữa là sự kết nối với thiên nhiên làm cho chúng ta ngồi bên trong nhà nhưng cảm giác gần gũi giống như đang ngồi ngoài nhà thông qua hệ thống lớp kính cửa sổ lớn hay là những cái giếng trời.
Hay là cách chúng ta lựa chọn những màu trung tính ấm như là màu be màu cam nhạt… làm cho mắt chúng ta được dịu lại mỗi khi trở về nhà. Hoặc chúng ta có thể tham khảo và lập một bảng màu tick từ những bức tranh, những bức hình mà chúng ta yêu thích, cảm thấy thực sự thư giãn. Ví dụ một bức tranh về cánh đồng lúa mạch hay một bức tranh làng quê Việt Nam, cảnh đang làm cói, đang làm gạch hay là những con đường lúa dài thẳng tắp vô tận… còn ngoài ra chúng ta thêm những điểm nhấn đến từ những đồ vật khác mang tone đen, xám đậm, xám xanh hay là tone nâu đậm.
Thêm nữa, sự thoải mái sẽ đến từ sự ngăn nắp và trống trải, giống như một sự kế thừa của phong cách SCANDINAVIAN hay là phong cách WABI SABI hay là MINIMALIST. Khoảng trống đó làm cho chúng ta cảm giác được thoải mái trong sinh hoạt, và gián tiếp những cái khoảng trống đó sẽ đưa vào trong tâm trí của chúng ta. Chúng ta không cần phải quản lý quá nhiều đồ. Không còn bị những màu sắc lấp lánh thu hút thì chúng ta sẽ cảm giác thư giãn để cho lòng lắng lại. Chúng ta sẽ có thời gian hơn để chiêm nghiệm và từ đó chúng ta biết được là mình cần gì hơn trong cái ngôi nhà. Thêm nữa việc chúng ta lựa chọn đồ nội thất chất lượng như đã nói ở trên thì gián tiếp cho chúng ta cảm giác yên tâm và từ đó tạo ra cho chúng ta sự thoải mái khi ở trong một không gian mang phong cách JAPANDI.
Và sau cùng, nhata.net muốn gửi gắm đến các bạn đó chính là cái tâm thế. chúng ta đừng quá chú trọng đến những yếu tố về thị giác, về giác quan sờ chạm… hãy thử tắt bớt giác quan đi, lắng nghe hơi thở, lắng nghe nội tâm và chúng ta sẽ có một cái cách cảm nhận khác. Giống như là lối sống SISU, lối sống LAGOM, lối sống HYGGE của người Bắc Âu hay là lối sống thiền ZEN của người Nhật. Hay là phong cách WABI SABI có nghĩa là chúng ta chuẩn bị cho những cái thứ nó không hoàn hảo diễn ra hàng ngày. Ví dụ như nhiều khi vô tình làm chầy xước chiếc điện thoại của mình, làm nó mất đi sự hoàn hảo, nhưng mà không lẽ sự việc đó làm cho chúng ta cảm giác mất đi cái sự trân trọng đối với cái điện thoại hay sao. Sự chuẩn bị một cách chủ động để chúng ta học tập những lối sống đó thì cái ngôi nhà JAPANDI của chúng ta sẽ trở nên thú vị hơn rất là nhiều.
Trên đây là những chia sẻ về giá trị cốt lõi, những ý nghĩa, những cách áp dụng của JAPANDI vào cuộc sống hàng ngày, vào ngôi nhà tương lai mà chúng ta mong muốn hướng đến một sự bền vững, một sự sống khỏe sống chữa lành trong cảm giác thật bình yên.
Nhata.net hy vọng các thông tin trong bài viết Phong cách kiến trúc của tôi có ích cho bạn!