Lựa chọn Màu sắc Ngôi nhà

phối màu kiến trúc

Lựa chọn màu sắc ngôi nhà: Làm sao để "bắt trend" nhưng vẫn chuẩn gu? Mời bạn cùng Nhata.net tìm hiểu những tip đơn giản để có thể là chọn ra, và phối màu sắc để đạt được ý đồ nhé.

Ngôi nhà – “chiếc áo khoác” thể hiện cá tính của bạn

Hãy tưởng tượng ngôi nhà của bạn giống như bộ trang phục mà bạn mặc hàng ngày, chỉ khác là... bạn không thể thay nó mỗi sáng trước khi đi làm. Một ngôi nhà với màu sắc “chuẩn chỉnh” sẽ khiến hàng xóm vừa ngưỡng mộ, vừa ghen tỵ, còn bạn thì tự hào như đang sở hữu một “bộ cánh cao cấp”. Ngược lại, nếu phối màu “lệch pha”, ngôi nhà sẽ trông chẳng khác nào bảng hiệu nhà hàng... thất bại!

Chọn màu sắc không chỉ là việc chọn màu sơn tường, mà còn là sự kết hợp tinh tế giữa các yếu tố nội thất và ngoại thất. Vậy làm sao để “chơi đùa” với màu sắc mà vẫn giữ được sự hài hòa, nổi bật?

Hiểu về màu sắc:

Màu sắc không chỉ là cái nhìn, mà còn là cảm xúc, là bí mật ít ai để ý. Mỗi màu sắc lại gắn liền với một loại cảm xúc? Ví dụ:

  • Màu đỏ: Gợi nhớ đến sự nhiệt huyết, đam mê, nhưng cũng có thể là cảm giác... đói bụng! Không phải ngẫu nhiên mà các chuỗi nhà hàng như McDonald's hay KFC đều chọn màu đỏ và vàng làm chủ đạo.
  • Màu xanh dương: Biểu tượng của sự bình yên, thư thái, như khi bạn ngồi trên bãi biển và nhìn về đường chân trời xanh ngắt.
  • Màu hồng: Chữa lành “trái tim tổn thương”. Một nghiên cứu cho thấy, nhìn vào màu hồng có thể giúp giảm căng thẳng và làm dịu cảm xúc.

Bánh xe màu sắc: “Google Maps” cho dân phối màu

Bánh xe màu sắc là công cụ giúp bạn định hướng khi chọn màu sơn. Nó được chia thành ba màu chính: đỏ, vàng và xanh dương, và từ đó pha trộn thành hàng ngàn sắc thái khác nhau. Đừng hoảng sợ khi nhìn vào “ma trận” này, bởi bạn chỉ cần nắm vững những khái niệm cơ bản là đủ:

  • Tông màu nóng: Đỏ, cam, vàng – mang đặc trưng của ánh sáng mặt trời, màu của Hoàng Hôn, màu của ngọn lửa... nó đem lại cho chúng ta cái cảm giác ấm áp nồng nhiệt. Chính vì thế nó hợp với những không gian mà chúng ta cần sự ấm cúng Sum Vầy, hay là cần một cái gì đó năng lượng trẻ trung và sôi nổi. 
  • Tông màu lạnh: Xanh dương, xanh lá, tím – là những màu đặc trưng cho biển cả, của bầu trời, của rừng cây hay là của những cơn mưa... Màu lạnh cho chúng ta tạo ra một không gian cảm giác thoải mái, sảng khoái, tươi mới và tự do.
  • Tông màu trung tính: Xám, trắng, be – nền tảng hoàn hảo để kết hợp với mọi màu sắc.
bánh xe màu sắc
Bánh xe màu sắc

Về màu đen và màu trắng, thì thực chất không có màu đen màu trắng/ màu xám đâu. Chỉ là khi chúng ta giảm sắc độ bất kỳ một màu nào đó đến mức thấp nhất thì chúng ta sẽ có màu trắng, và tăng sắc độ lên mức cao nhất thì sẽ chúng ta cũng sẽ có màu đen. Chúng ta gọi khái niệm màu đen và màu trắng màu đen chẳng qua là cho dễ hình dung. Như vậy chúng ta sẽ có một cái bánh xe hàng triệu màu sắc cùng sắc độ khác nhau từ đậm cho tới nhạt. 

Phương án tuân theo phối màu cơ bản: Đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả

Để phối màu, chúng ta sẽ dựa trên cái bánh xe màu sắc đó, và dựa trên một nguyên tắc là 60: 30: 10; trong đó:

  • Màu chủ đạo chiếm 60% diện tích nhìn thấy, bao gồm các mảng lớn như trần, tường, sàn, thảm lớn, các hệ tủ lớn, sofa lớn... Thường chọn màu trung tính như trắng, xám, be...Nên chọn trên nhạt dưới đậm.
  • Màu phụ đạo 30% là màu cho những vật dụng nhỏ hơn: Rèm, thảm, bàn ghế nhỏ, kệ tivi... hỗ trợ cho màu chủ đạo nhưng vẫn đủ sự khác biệt để tạo nét thú vị cho không gian. Riêng phần rèm được khuyên cùng màu tường để không gian trở nên rộng hơn không bị vụn/ đậm hoặc nhạt hơn 1 tone.
  • Màu nhấn 10%: Gối, lọ hoa, cây xanh, tranh ảnh, đồ decor... giúp phá vỡ sự đơn điệu trong không gian.
Phối màu kiến trúc
Phối màu kiến trúc theo nguyên lý 60-30-10

Dựa trên nguyên tắc này thì chúng ta sẽ phải chọn ra 3 cái màu trên. Sau đây là một số gợi ý cho bạn: 

Phương án1: ĐƠN SẮC (tone sur tone):

Chọn một màu và sử dụng các sắc độ khác nhau của nó (đậm, nhạt). Phù hợp với những không gian nhỏ, tạo cảm giác rộng rãi và thanh lịch. Cụ thể:

Chúng ta sẽ định vị một màu. Sau đó sử dụng 60% là màu đó nhưng mà ở tone nhạt, 30% là cái màu đó ở tone đậm, và 10% chính là màu đó.

Ưu điểm của phương án này là nó sẽ thể hiện được CÁ TÍNH, cái gu rất chất của bạn, rất rõ ràng và sắc nét. Nó hợp với những bạn trẻ muốn thể hiện cá tính, không ngại ngùng trước số đông.

Tuy nhiên lưu ý là cách phối màu này sẽ rất dễ gây ra cảm giác nhàm chán, bởi vì đi đâu cũng là cái màu đó. Vậy thì hãy giải quyết nó một cách đơn giản bằng cách sẽ kết hợp với một vài cái đồ Decor vẫn tone màu đó, nhưng mà nó sẽ là caro Hoặc hoa văn họa tiết mang tính chất là đặc thù, vẽ tay chẳng hạn, rất riêng.

Đặc biệt, phương pháp phối màu này rất là thích hợp cho không gian NHÀ NHỎ, bởi vì nó làm xóa nhòa đi ranh giới giữa các vật dụng, giữa trần tường sàn, từ đó làm cho không gian trở nên rộng rãi dễ chịu hơn.

Phương án 2: TƯƠNG ĐỒNG (màu liền kề):

Sử dụng các màu liền kề trên bánh xe màu (ví dụ: xanh lá – xanh dương – tím) để tạo sự hài hòa, dễ chịu.Cụ thể:

Là trên vòng tròn bánh xe màu sắc chúng ta sẽ chọn ra 3 màu kế nhau, và 3 màu này sẽ cùng là tông nóng hoặc cùng là tông lạnh. 3 màu này nó sẽ  bổ sung cho nhau và từ đó nó sẽ có cái màu sắc sinh động hơn. Phương án phối màu này sẽ cho bạn tận dụng được cái màu gốc của vật liệu tốt hơn, cảm giác sinh động và thoải mái hơn là phương pháp tone sur tone ở trên. 

Phương án 3: TƯƠNG PHẢN:

Chọn hai màu đối diện nhau trên bánh xe (ví dụ: đỏ và xanh lá) để tạo sự nổi bật mạnh mẽ.

Cách phối màu này đặc biệt phổ biến trong ngành quảng cáo, ví dụ như là các banner/ poster, trên các website hay là trên các chương trình tivi. Nó tạo cho chúng ta cái cảm giác thu hút, bắt mắt, cảm giác tương phản mạnh mẽ và quyết liệt và từ đó làm cho chúng ta chú ý nhiều hơn. Ta sẽ chọn ra hai cặp màu đối diện nhau trên cái vòng tròn bánh xe và từ đó chúng ta sẽ có được cái phối màu của 60, của 30. Màu Thứ ba chúng ta sẽ chọn theo 2 cách:

  1. Cách thứ nhất: chọn ra ngay từ 2 cái màu tương phản vừa pics ra từ cái vòng tròn bánh xe màu sắc đó và sẽ lấy tông đậm hơn hoặc là nhạt hơn 1 trong 2 cái màu đó để làm màu thứ 3.
  2. Cách thứ hai: pick ra một cái màu trung tính để làm nền cho hai cái màu đối lập đó và chúng ta sẽ có được một cái phối màu vẫn theo nguyên tắc 60, 30 và 10. Phương pháp phối màu này tuy hút mắt nhưng mà dễ dẫn đến cảm giác rối và sến, có phần hơi lộn xộn chói mắt. Chính vì thế nên các bạn phải hiểu thật rõ cái nguyên tắc phối màu này để có được bản phối hài hòa và hợp mắt.

Lưu ý không quá lạm dụng, kẻo nhà bạn trông như... lễ hội hóa trang.

Phương án 4: TAM GIÁC (bổ túc bộ 3):

Bằng cách chọn ra ba màu tạo thành tam giác đều trên cái vòng tròn bánh xe màu sắc để có được cái bản phối đúng như theo nguyên tắc 60 30 10. Phương án rất thích hợp với những bạn thích nhiều màu sắc khác nhau, hoặc các doanh nghiệp với nhiều màu sắc nhận diện, trong các không gian sáng tạo như phòng làm việc/ studio.

Phối màu sắc
Một số nguyên tắc phối màu cơ bản

Gợi ý cho bạn: trên trang web chuyên về phối màu của hãng Adobe Color, trên này chúng ta sử dụng vòng tròn bánh xe rất là dễ dàng theo bốn phương pháp trên, thì các bạn chỉ cần pick ra một màu hoặc hai màu là chúng ta sẽ dễ dàng chọn ra những màu còn lại.

Phương án phối màu tự do:

Trên đây là 4 phương pháp chính để cho chúng ta có được bản phối hợp với nguyên tắc thị giác của con người nói chung. Nhưng mà nguyên tắc đặt ra là để phá bỏ nguyên tắc. Không phải ai cũng muốn thực hiện trăm phần trăm như 4 phương pháp trên. Bạn có thể thực hiện nó một cách cảm xúc hơn, fantage hơn và thoải mái hơn theo những gợi ý sau đây:

Kiểu Color Block:

Phối màu theo phong cách Color Block (hay còn gọi là Color Blocking) là một kỹ thuật thiết kế sử dụng các màu sắc tươi sáng, đối lập hoặc tương phản mạnh mẽ, được chia thành các khối màu riêng biệt trong một tổng thể hài hòa. Mỗi khối màu đủ lớn được đặt cạnh nhau để tạo ra sự tương phản rõ rệt, mang lại hiệu quả thị giác mạnh mẽ và dễ gây chú ý.

Ta có thể hình dung như thế này, chúng ta sẽ làm một cái mảng màu liên kết giữa trần- tường- sàn với đồ nội thất nó sẽ tạo ra một cái mảng màu chung và nó sẽ có một sự kết nối làm cho chúng ta cảm giác từng mảng- từng miếng- từng màu sắc sẽ thành một cái khối màu, và từ đó sẽ kể được những câu chuyện trong phong cách nội thất của mình.

phối màu kiến trúc
Một ví dụ về phương án phối màu Color block

Kiểu cảm hứng từ thiên nhiên:

Bởi vì thiên nhiên là nguồn cảm hứng Vô Tận cho mỗi chúng ta, mỗi khi chúng ta hòa mình vào cuộc sống này. Và cái cách mà chúng ta lấy ra từ thiên nhiên tạo thành những cái pallet màu sẽ không còn quá phụ thuộc vào những cái nguyên tắc ở trên nữa. Đó là một cái bản phối lấy cảm hứng từ nắng gió, từ mặt trời, từ Sông Núi, từ mây mưa v.v...mà chúng ta muốn cái ngôi nhà của mình có những cái âm hưởng của khung hình thiên nhiên đó. Ví dụ pallet Màu Mùa hè sẽ được tạo ra từ những tone màu như xanh dương, xanh lá, vàng cam. Hay là tone màu mùa thu sẽ được hòa sắc bởi cái màu nâu, cam vàng... hoặc là màu đậm chất cổ điển retro được rất nhiều bạn trẻ yêu thích... Bạn có thể tham khảo theo cách này tại https://www.lummi.ai/ hoặc bạn từ tìm/ tự chụp ảnh, rồi tìm ra các mã màu yêu thích trên đó với https://www.ginifab.com/feeds/pms/color_picker_from_image.vi.php

bảng màu thiên nhiên
Màu sắc lấy cảm hứng từ thiên nhiên

Kiểu bản phối theo sở thích riêng:

Ok và cách thứ ba cách này cực kỳ đơn giản và chắc chắn là rất là nhiều người thích. Đó chính là tự tạo ra cho mình một cái bản phối theo sở thích. Phương pháp này đặc biệt phải dựa trên hiểu biết của bạn về màu sắc bạn chọn. Hiểu biết đó là cảm xúc nó mang lại, bạn quan sát nó, ngắm nghía nó, nghiên cứu về nó để tự tạo ra cho mình một cái bản phối, mang âm hưởng một câu chuyện nào đó kể ra bằng màu sắc. Bạn thích thì hãy cứ theo đuổi Hãy Cứ tiến tới và cùng nghiên cứu để tạo ra cho mình một bức tranh thật là thú vị nhé.

phối màu kiến trúc
Bạn có thể tự tạo ra một bảng màu dựa trên cảm xúc của riêng mình

Với bài viết này Nhata.net muốn đưa ra cho các bạn những cái nguyên tắc để có thể áp dụng vào trong cuộc sống của mình một cách chính xác mà linh hoạt. Tuy nhiên những nguyên tắc này không hề cứng nhắc, chủ yếu mang đến thông điệp rằng mỗi màu sắc mỗi cách phối đều có một cái ý nghĩa và đều có một cái cảm xúc, từ đó nó đem lại cho bạn một gu thẩm mỹ gu thưởng thức cuộc sống này, để thấy thú vị với ngôi nhà bạn hơn.

Sẽ còn rất là nhiều chủ đề xung quanh cái cgur đề Màu sắc này những mong có thể tiếp tục giới thiệu với các bạn. Ví dụ như màu pastel là gì, màu trung tính là gì và tại sao nó lại được áp dụng phổ biến và yêu thích nhiều đến thế trong cuộc sống? ý nghĩa của màu sắc trong cuộc sống là như thế nào? những giá trị phong thủy gì từ màu sắc đem lại cho văn phòng và cho nhà ở? và bảng màu nào thì phù hợp cho từng phòng chức năng? bảng màu nào thì tốt cho từng doanh nghiệp? v.v... Rồi ngay cả cùng 1 màu, ví dụ như màu be, nhưng sẽ có các tone màu lạnh, ấm khác nhau. Các bức tường có ánh sáng chiếu vào mạnh yếu cũng sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận màu sắc. Nếu bức tường đón ánh nắng phía Nam ấm chọn sơn màu lạnh hơn để trung hòa lại ánh sáng, ngược lại bức tường đón ánh sáng hướng Bắc nên chọn tone màu ấm hơn...

Bài viết có lấy tư liệu tại kênh MẠNH HÀ DESIGN.

Màu sắc và phong thủy: Khi thẩm mỹ gặp tâm linh

Ngoài yếu tố thẩm mỹ, màu sắc còn mang ý nghĩa phong thủy, ảnh hưởng đến tài lộc và năng lượng của gia đình. Một số gợi ý:

  • Mệnh Kim: Hợp với trắng, xám, bạc.
  • Mệnh Mộc: Chọn xanh lá, nâu.
  • Mệnh Thủy: Hợp với xanh dương, đen.
  • Mệnh Hỏa: Chọn đỏ, cam, hồng, tím.
  • Mệnh Thổ: Hợp với vàng, nâu đất.

Công cụ hỗ trợ phối màu: Bạn không phải tự “vật lộn”

Nếu cảm thấy khó khăn trong việc chọn màu, hãy thử các công cụ trực tuyến như:

  • Adobe Color: Tạo bảng màu dựa trên bánh xe màu sắc.
  • Coolors.co: Gợi ý các bảng màu đẹp mắt và dễ áp dụng.
  • Ginifab Color Picker: Trích xuất mã màu từ hình ảnh yêu thích.

Màu sắc – "chìa khóa" làm nên ngôi nhà hoàn hảo

Chọn màu sắc cho ngôi nhà không phải là việc dễ dàng, nhưng cũng không phải “cơn ác mộng” nếu bạn nắm vững các nguyên tắc cơ bản. Hãy để ngôi nhà của bạn trở thành “bức tranh sống” phản ánh gu thẩm mỹ và cá tính riêng của mình.

👉 Đừng quên chia sẻ bài viết này nếu bạn muốn giúp bạn bè “thoát kiếp phối màu lạc tông” nhé!

Chuyên sâu xem thêm: Một số hệ màu thường sử dụng

Hệ màu (Color System) là một phương pháp hoặc quy trình được sử dụng để mô tả, phân loại và tạo ra các màu sắc. Mỗi hệ màu sử dụng một hoặc nhiều tham số để xác định một màu cụ thể, giúp chuẩn hóa và tạo sự nhất quán trong việc sử dụng màu sắc trong thiết kế, nghệ thuật, in ấn, và các lĩnh vực kỹ thuật khác.

Hệ màu vẽ RYB:

Hệ màu RYB (Red - Yellow - Blue) là một hệ màu cơ bản dựa trên các màu Đỏ (Red), Vàng (Yellow) và Xanh dương (Blue), hoạt động dựa trên mô hình trừ màu (subtractive color model), trong đó các màu sắc được tạo ra bằng cách trộn các màu cơ bản lại với nhau để hấp thụ ánh sáng.

mô hình màu RYB
Mô hình màu RYB

Cách hoạt động của hệ màu RYB:

  1. Màu cơ bản: Đỏ (Red), Vàng (Yellow), và Xanh dương (Blue).
  2. Màu nhị hợp (Secondary Colors): Khi trộn hai màu cơ bản với nhau, sẽ tạo ra các màu nhị hợp:
  • Đỏ + Vàng = Cam (Orange)
  • Vàng + Xanh dương = Xanh lá cây (Green)
  • Xanh dương + Đỏ = Tím (Purple)
  1. Màu tam hợp (Tertiary Colors): Khi trộn màu cơ bản với màu nhị hợp gần nó, sẽ tạo ra màu tam hợp:
  • Đỏ + Cam = Đỏ cam
  • Vàng + Cam = Vàng cam
  • Vàng + Xanh lá = Xanh lá vàng
  • Xanh dương + Xanh lá = Xanh lá dương
  • Xanh dương + Tím = Xanh tím
  • Đỏ + Tím = Đỏ tím

Đây là hệ màu truyền thống,được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, đặc biệt khi làm việc với các chất liệu vật lý như sơn, mực và chất tạo màu. Trẻ em thường học về màu sắc qua hệ màu này.

Hệ màu RGB:

Màu RGB là một hệ màu cộng, được tạo ra bằng cách kết hợp ánh sáng của ba màu cơ bản: Đỏ (Red), Xanh lá cây (Green) và Xanh dương (Blue), viết tắt là RGB.

Cách hoạt động:

  • R (Red): Giá trị từ 0 đến 255, thể hiện độ sáng của màu đỏ.
  • G (Green): Giá trị từ 0 đến 255, thể hiện độ sáng của màu xanh lá cây.
  • B (Blue): Giá trị từ 0 đến 255, thể hiện độ sáng của màu xanh dương.

Ví dụ, nếu bạn có một màu với giá trị RGB(255, 0, 0), điều này có nghĩa là 100% màu đỏ, không có màu xanh lá cây và màu xanh dương, tức là màu đỏ thuần. Còn nếu giá trị là RGB(0, 0, 0) thì đó là màu đen, và RGB(255, 255, 255) sẽ tạo ra màu trắng (do sự kết hợp của ba màu cơ bản ở mức độ sáng tối đa).

Ứng dụng của hệ màu RGB:

  • Màn hình điện tử: RGB là hệ màu chính được sử dụng trên các màn hình của điện thoại, máy tính, TV, máy chiếu… vì các thiết bị này sử dụng ánh sáng để tạo ra màu sắc.
  • Web design và đồ họa kỹ thuật số: Trong thiết kế web, đồ họa và chỉnh sửa hình ảnh, các giá trị RGB được sử dụng để chỉ định màu sắc.

Hệ màu CMYK (Cyan - Magenta - Yellow - Black):

Là hệ màu được sử dụng trong in ấn, dựa trên 4 màu cơ bản: Cyan (Xanh lơ), Magenta (Hồng cánh sen), Yellow (Vàng), và Black (Đen).

  • Nguyên lý: CMYK là hệ màu trừ (subtractive color), nghĩa là màu sắc được tạo ra bằng cách hấp thụ ánh sáng, với màu đen được thêm vào để tăng độ sâu và tương phản.
  • Ứng dụng: In ấn (bao bì, sách báo, tờ rơi, danh thiếp...); Thiết kế sản phẩm vật lý, không liên quan đến màn hình.

Lưu ý: CMYK không thể tái hiện đầy đủ dải màu của RGB, vì vậy khi chuyển từ RGB sang CMYK cần điều chỉnh để màu sắc không bị thay đổi quá nhiều.

Một số khái niệm trong sắc màu:

  • Tone màu là khái niệm dùng để chỉ sự biến đổi về độ sáng và sắc độ của một màu cơ bản khi nó được pha trộn với màu xám (một hỗn hợp của trắng và đen). Tone màu giúp tạo ra sự đa dạng trong bảng màu.
  • Hue (Sắc thái): Là màu cơ bản mà chúng ta nhìn thấy (ví dụ: đỏ, xanh dương, vàng).
  • Saturation (Độ bão hòa): Là mức độ "đậm đặc" của màu sắc, mô tả sự thuần khiết của màu đó. Màu sắc bão hòa cao có vẻ tươi sáng và rực rỡ, trong khi màu sắc bão hòa thấp sẽ có vẻ nhạt hoặc xám. Thường được đo bằng tỷ lệ phần trăm từ 0% (xám) đến 100% (màu nguyên chất).
  • Brightness (Độ sáng): Là mức độ sáng hay tối của màu sắc, thể hiện lượng ánh sáng trong màu sắc đó. Đo bằng tỷ lệ phần trăm từ 0% (màu tối hoàn toàn) đến 100% (màu sáng hoàn toàn).
  • Lightness (Độ sáng tối): Được sử dụng trong hệ Lab để chỉ mức độ sáng tối của màu sắc. Đơn vị đo: Thường từ 0 (đen) đến 100 (trắng), 50 là màu sắc thuần khiết, không bị pha trộn với màu trắng hoặc đen.
  • Contrast (Độ tương phản): Là sự khác biệt giữa hai màu sắc trong một thiết kế hoặc hình ảnh, chủ yếu dựa vào sự chênh lệch về độ sáng, độ bão hòa, hoặc sắc thái. Độ tương phản càng cao, màu sắc sẽ càng nổi bật. Trong thiết kế đồ họa và in ấn, độ tương phản cao giúp làm cho các chi tiết dễ nhìn thấy và dễ đọc hơn.

Đang cập nhật...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *