Hệ thống chống sét nhà phố

Nhà phố không có, hoặc có nhưng thi công không chuẩn hệ thống chống sét gây nhiều hậu quả. Nhẹ thì sét đánh gây phóng điện (ĐIỆN TỪ TRƯỜNG biến thiên rất mạnh) làm chập cháy thiết bị. Nặng thì có thể ảnh hưởng tới an toàn tính mạng con người.

Khi nào cần phải làm chống sét:

Nếu bạn phân vân nhà mình hiện ở gần một số nhà cao hơn đã làm chống sét, hoặc gần đường điện cao thế... thì có phải làm chống sét không?

Câu trả lời là: theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9385:2012 thì bạn chiếu xem phạm vi nhà có nằm trong vùng bảo vệ của kim thu sét đó không. Cơ bản nó là một hình nón có góc 45 độ tính từ đỉnh kim.

Phạm vi bảo vệ của kim thu sét
Phạm vi bảo vệ của kim thu sét

Các trường hợp bắt buộc phải có hệ thống chống sét:

  • Nhà đơn độc, nơi đồng không mông quạnh, cách xa các nhà khác.
  • Nhà có tầm cao vượt trội so với các nhà liền kề/ xung quanh.

Sự khác nhau giữa chống sét truyền thống Franklin và chống sét hiện đại :

Chỉ khác nhau ở phần kim thu sét.

Ở chống sét truyền thống, kim thu sét là một hệ thống kim loại nhọn đầu. Giá thành khá rẻ. Phù hợp với những nhà biệt thự, mái thái thấp 2-3 tầng.

Chống sét hiện đại sẽ sử dụng kim tiền đạo gắn trên cột cao. Kim chủ động phát xạ sớm có tác dụng tăng điện trường ở đầu kim. Phạm vi bảo vệ rất rộng nên chỉ cần 1 kim cho ngôi nhà, thay vì nhiều kim như phương pháp truyền thống. Thi công đơn giản, dễ bảo trì bảo dưỡng, lâu bền với chi phí cũng không quá cao. Nếu áp dụng cho nhà có hệ thống mái nhiều lớp phức tạp sẽ hiệu quả về kinh tế.

Các phần khác như dây thoát, tiếp địa.. là như nhau trong cùng phương án lựa chọn.

Các lưu ý với hệ thống tiếp địa hệ thống chống sét nhà phố:

Có rất nhiều phương án thi công hệ thống dây thoát sét và tiếp địa, ví dụ:

  1. Phương án dùng thép và mối hàn thép: cọc dùng thép V mạ kẽm mua sẵn, dài khoảng 2,5m; Đường thoát sét dùng thép tròn d6/8 và phương pháp liên kết hàn.
  2. Phương án dùng cọc đồng/ mạ đồng (theo quy phạm không nhỏ hơn D16 do có liên quan đến an toàn cơ học cơ lý, dài  khoảng 2,4m). Dây đồng thoát sét tiết diện không nhỏ hơn 50mm2 tương đương D8. Không dùng Inox  vì dẫn điện kém (~1/10 thép) và nhôm bị ăn mòn trong đất. Mối nối tốt nhất là dùng hàn hóa nhiệt (nhưng vì là hiện trường nên rất nhiều rủi ro), tiếp đến là dùng ống nối đồng ép thủy lực. Các kẹp đồng thì dễ chờn ren và không ổn định theo thời gian. Một số đơn vị chuyên nghiệp bán sẵn bộ dây và kim tiếp địa đúc liền khối chất lượng rất cao và có giá thành hạ.
  3. Dùng ống thép (D25, dày 2.1mm). Đầu đóng hàn kín nhọn đầu, đầu kia hàn vanh tăng cường để khỏi toét đầu khi đóng), sau đó các tia tiếp địa bằng cáp đồng được thả vào trong lõi. Hòa hóa chất giảm điện trở (bột Gem) vào đầy ống và một phần theo rãnh tiếp địa.
Chống sét nhà phố
Một bảng kê vật tư chống sét cho nhà phố

Rãnh tiếp địa đào sâu khoảng 40-50cm, nơi đất đã có thể đạt được độ ẩm 100% là được. Vị trí tia tiếp địa đào thêm 20-30cm nữa tạo thành một cái hố, giúp các bước thi công tiếp theo được dễ dàng hơn.

Các đất bồi cát/ trạt vữa/ đất lấp... khả năng tiếp địa rất kém, đóng cả vài chục cọc cũng chưa chắc đã đạt. Vì vậy nên đào để hạ cọc xuống lớp đất liền thổ cũng như nên dùng đất để lấp dây thoát sét.

Với hóa chất làm giảm điện trở, thực ra không nhiều hiệu quả, do chỉ có hiệu quả trong phạm vi hẹp mà không thể cải tạo cả vùng rộng xung quanh. Nếu đất dẫn điện tốt thì nên bỏ qua.

Các cọc bố trí nối tiếp thì cọc sau tác dụng giảm dần. Dây nối quá dài thì các cọc cuối không có tác dụng thoát sét. Thông thường ở đồng bằng Bắc Bộ chỉ nên dưới 2 cọc. Tốt nhất bố trí theo kiểu chân chim (ĐIỆN CỰC NGẮN).

Cọc to không làm tăng đáng kể khả năng thoát sét. Chỉ góp phần làm tăng giá thành và thi công khó khăn. Cũng không nên làm cọc quá dài vì phần dưới cũng giảm dần hiệu quả. Phần dây thoát sét cũng nên càng ngắn càng tốt.

Hãy dùng phương án chọc/ thụt... để đưa ống xuống sâu nhất có thể, rồi mới sử dụng đến búa/ máy đục đưa cọc xuống.

Dùng máy đo điện trở đất chuyên dụng để kiểm tra. Nếu đo không ít hơn 10 ôm thì phải bổ xung cọc tiếp địa.

Tất cả các bộ phận bằng kim loại nằm ngay trên mái hoặc cao hơn bề mặt của mái đều được nối đất như một phần của bộ phận thu sét.

Dây xuống với nhà phố nếu được nên bố trí 2 dây xuống sẽ an toàn hơn rất nhiều.

Áp dụng hệ thống cổ điển với nhà khung thép mái tôn:

Nếu là nhà mái tôn/ ngói có kèo xà gồ thép thì kim cổ điển sẽ được hàn luôn vào thép mái. Vị trí kim tại các đường giao đỉnh và khoảng cách tối đa khoảng 4m. Không cần thiết phải dùng dây thoát sét nối giữa các kim gây lãng phí, mà chỉ dùng dây thoát sét nối từ chung hệ thống mái thép xuống là được.

Áp dụng hệ thống cổ điển với nhà khung bê tông hoặc gỗ:

Dây thoát sét nối các kim thu nếu đi dưới mái thì luồn thêm ống cách điện vào. Còn nếu nằm trên bề mặt mái với ý làm luôn dây thu dẫn sét thì khoảng cách là 15cm và để trần (lột bỏ lớp cách điện nếu có).

Kim thu sét khi khoan bắt không được để tiếp xúc với cốt thép kết cấu.

Lưu ý với hệ thống chống sét hiện đại:

Chiều cao cột khuyến cáo 5m.

Loại hệ thống cách ly với công trình: phần trên của kim bọc ống thủy tinh/composite cách điện với phần chân cột. Tuy nhiên tại phần chân cột phải có chi tiết hàn với cốt thép công trình để cân bằng điện thế.

Hệ thống trực tiếp không cách ly: kim bắt vào cột và cột bắt vào sàn mái. Phần chân cột hoặc hoàn toàn cách ly với thép công trình để tránh phóng điện, hoặc hàn để liên kết hoàn toàn.

Tham khảo chi tiết thêm tại đây.

Nhata.net hy vọng các thông tin trong bài viết Hệ thống chống sét nhà phố có ích cho bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *