Công tác đảm bảo An toàn và vệ sinh lao động là bắt buộc cả về Pháp lý và đạo đức cho chủ nhà và người sử dụng lao động.
- An toàn lao động là công tác phòng ngừa yếu tố gây nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của người lao động. Vệ sinh lao động là các biện pháp và phương tiện nhằm phòng ngừa các yếu tố có hại cho người lao động, mục đích bảo vệ sức khỏe cho họ.
Đảm bảo thông qua công tác huấn luyện/ đào tạo/ phổ biến an toàn vệ sinh lao động.
QUY ĐỊNH AN TOÀN LÀM VIỆC TRÊN CAO
Làm việc trên cao là làm việc tại những nới mà rủi ro ngã cao trên 2m, làm việc trên giàn giáo, sàn treo, sàn nâng di động, trên mặt phẳng nghiêng trên 15 độ hoặc chưa đến độ cao đó nhưng dưới chỗ làm việc có các vật chướng ngại nguy hiểm.
Những người được phép làm việc trên cao:
- Đã được huấn luyện an toàn làm việc trên cao mới được phép làm việc trên cao.
- Phải đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt, huyết áp bình thường và không có chất kích thích hay men rượu.
- Phụ nữ có thai, những người có bệnh tim, huyết áp, điếc, mắt kém không được làm việc trên cao.
- Người làm việc trên cao có quyền từ chối làm việc và báo cáo lại cho người quản lý biết khi phát hiện điều kiện làm việc không an toàn hoặc thấy tình trạng sức khỏe không đảm bảo.
- Phải trang bị dây an toàn phù hợp- đảm bảo chất lượng, áo phản quang, nón an toàn và các phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp với công việc đang làm. Ống quần phải được bó lại tránh vướng, móc vào vật gây trượt ngã.
Khu vực làm việc:
- Phải được vệ sinh sạch sẽ, luôn giữ mặt sàn thao tác khô ráo, vật tư thiết bị sắp xếp gọn gàng.
- Đàm bảo cường độ chiếu sáng tại khu vực chung > 200 lux, khu vực cầu thang > 300 lux.
- Đảm bảo khoảng cách an toàn đến đường điện, các dây điện liên quan.
- Không được thi công cùng một lúc ở hai hoặc nhiều tầng trên cùng một phương thẳng đứng, trừ trường hợp có thiết bị bảo vệ an toàn đảm bảo.
- Không được làm việc khi khi mưa to, giông bão hoặc có gió từ cấp 5 trở lên (8-10m/s, các cây nhỏ có lá bắt đầu lay động).
- Lối lên xuống phải sử dụng thang, cầu thang có tay vịn chắc chắn. Thang bước có độ dốc < 65 độ và thang leo khoảng 73 độ.
- Các lỗ mở trên sàn phải được che kín thật chắc chắn, được sơn đỏ và có biển CẤM THÁO/ lắp đặt lan can cứng xung quanh.
- Lắp đặt lan can tay vịn bảo vệ chắc chắn cho các khu vực có nguy cơ ngã cao. Lan can nên cách lỗ mở > 60cm, chiều cao 90-115cm Phía dưới phải được che kín bằng tấm ván ngăn ngừa vật rơi.
- Lắp đặt lưới chống rơi cho người và vật khi thi công một lúc nhiều tầ ng theo phương đứng hoặc những nơi có nguy cơ vật rơi rơi xuống bên dưới.
- Luôn móc dây an toàn vào các kết cấu chịu được tải tĩnh trên 2.500kg (không được móc vào đường ống, mái che, vắt qua các cạnh bén, móc các dây đai lại với nhau...) và vị trí móc dây phải cao quá vai người.
- Lắp đặt hệ thống biển báo COI CHỪNG VẬT RƠI ngay phía dưới khu vực thi công, kết hợp rào chắn phía dưới. Nếu có thể nên bố trí thời gian làm việc hợp lý nhằm hạn chế người đi vào khu vực nguy hiểm.
- Được bố trí đầy đủ nước uống, đặc biệt khi trời nắng.
Về tác phong:
- Phải có túi đựng dụng cụ đồ nghề. Không được thải, ném các loại vật liệu, dụng cụ, đồ nghề từ trên cao xuống.
- Khi lên xuống cầu thang phải vịn tay vào tay vịn và tuân thủ nguyên tắc 3 điểm tiếp xúc. Không cầm dụng cụ, vật tư.
- Không sử dụng điện thoại, hút thuốc lá, đùa nghịch khi đang làm việc.
AN TOÀN ĐIỆN TRONG THI CÔNG XÂY DỰNG
Lưới động lực và chiếu sáng làm việc riêng rẽ.
Công trường phải có sơ đồ mạng điện, có cầu dao chung và các cầu dao phân đoạn để có thể cắt điện toàn bộ hay từng khu vực công trình khi cần thiết, được bảo vệ ngắn mạch và quá tải.Các thiết bị bảo vệ (cầu chảy, rơle, áptômát…) phải phù hợp với điện áp và dòng điện của thiết bị hoặc nhóm thiết bị điện mà chúng bảo vệ.
Không được để dây dẫn điện thi công và các dây điện hàn tiếp xúc với các bộ phận dẫn điện của các kết cấu của công trình.
Các dây dẫn phục vụ thi công phải là dây có bọc cách điện; phải mắc trên cột hoặc giá đỡ chắc chắn; phải ở độ cao ít nhất là 2,5 m đối với mặt bằng thi công và 5,0 m đối với nơi có xe cộ qua lại. Các dây điện có độ cao dưới 2,5 m kể từ mặt nền hoặc mặt sàn thao tác, phải dùng dây cáp bọc cao su cách điện. Không để dây trên nền.
Các thiết bị điện di động, máy phát điện cầm tay và điện xách tay khi nối vào lưới điện phải qua ổ cắm. Việc đấu, nối phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu an toàn về điện.
Chỉ người lao động điện được phân công mới được sửa chữa, đấu hoặc ngắt các thiết bị điện ra khỏi lưới điện.
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
Ban an toàn công ty có trách nhiệm huấn luyện. Trách nhiệm kiểm tra và tùy các mức độ có thể nhắc nhở tới lập biên bản vị phạm và đình chỉ công việc nếu cần.
Giám sát công trường/ an toàn viên được phân công có trách nhiệm kiểm tra an toàn tại hiện trường.
Check List kiểm tra an toàn làm việc trên cao xem tại đây check-list-atvsld
Nhata.net hy vọng các thông tin trong bài viết Công tác An toàn và vệ sinh lao động có ích cho bạn!