Hệ thống cấp thoát nước Nhà phố

Thoát nước nhà phố là một hệ thống có nhiệm vụ thu tất cả các loại nước thải tạo ra trong quá trình sinh hoạt, sản xuất của con người và cả nước mưa để đưa ra mạng lưới thoát nước bên ngoài. Để nó hoạt động trơn tru thông suốt qua nhiều năm, bạn cần phải biết giám sát và nghiệm thu. Nhata.net sẽ cung cấp cho bạn một số nội dung liên quan.

Chọn cỡ đường ống thoát:

Hoàn toàn không có chuyện cứ ống to là tốt. Ống to khiến nước chảy chậm, không cuốn đi được cát bụi lâu dần sẽ gây tắc đường ống. Ống bé cũng làm nước thoát chậm. Vấn đề là phải chọn được cỡ đường ống phù hợp với lưu lượng của thiết bị xả nước.

Bạn có thể tham khảo lựa chọn kích cỡ đường ống theo bảng sau:

TT Tên thiết bị  Thoát ngang Thoát đứng
1 Chậu rửa nhà bếp 42/48/60
2 Chậu rửa mặt 42
3 Tắm sen/ bồn tắm 48
4 90/110 90/110
5 Tiểu treo 48
6 Chậu vệ sinh nữ 48
7 Một mét máng tiểu
8 Bình nóng lạnh, ống phân nhánh (dưới 5 thiết bị dùng nước)
9 Máy giặt 60
10 Máy rửa bát 42/48
11 Ống thông khí 42/48 90/110

Độ dốc lắp đặt đường ống thoát nước:

Hệ thống thoát nước có độ dốc nhỏ sẽ nhanh tắc vì bị ứ đọng rác nhưng độ dốc lớn thì cũng để lại rác và tốn không gian lắp đặt.

Thoát nước nhà phố
Độ dốc thoát nước phù hợp nhất là 2-4%

Chi tiết hơn thì độ dốc phụ thuộc vào đường kính ống. Với hệ thống thoát nước sinh hoạt độ dốc được quy định như sau:

Đường kính ống (mm) Độ dốc
Tiêu chuẩn Tối thiểu
50 0.035 (3.5%) 0.025 (2.5%)
75 0.025 (2.5%) 0.015 (1.5%)
100 0.020 (2.0%) 0.012 (1.2%)
125 0.015 (1.5%) 0.010 (1.0%)
150 0.010 (1.0%) 0.007 (0.7%)
200 0.008 (0.8%) 0.005 (0.5%)

Đối với hệ thống thoát nước mưa sân vườn độ dốc cho phép như sau:

Đường kính ống (mm) Độ dốc tối thiểu
Nước thải tương đối sạch và nước mưa Nước thải bẩn
50 0.020 (2.0%) 0.030 (3.0%)
75 0.015 (1.5%) 0.020 (2.0%)
100 0.008 (0.8%) 0.012 (1.2%)
125 0.006 (0.6%) 0.010 (1.0%)
150 0.005 (0.5%) 0.007 (0.7%)
200 0.004 (0.4%) 0.005 (0.5%)

Chú ý: Độ dốc tối đa của đường ống thoát nước nằm ngang không được quá 0,15 (tức là 15%) trừ các nhánh ngắn chiều dài không quá 1,5m nếu từ thiết bị vệ sinh ra.

Hệ thống thông hơi:

Theo qui phạm đường ống thông hơi phụ phải đặt trong các trường hợp sau:

  • Khi đường kính ống đứng thoát nước D=50mm mà lưu lượng >2 l/s.
  • Khi đường kính ống đứng thoát nước D=100mm mà lưu lượng >9 l/s.
  • Khi đường kính ống đứng thoát nước D=150mm mà lưu lượng >20 l/s.
  • Khi ống nhánh có trên 6 hố xí.

Một số lưu ý:

Nếu không yêu cầu cao về thẩm mỹ, nên nghiên cứu đặt ống hở. Có thể sơn ống giống màu tường để đảm bảo mỹ quan, hoặc sơn khác để dễ phân biệt: Nước nóng màu đỏ; nước lạnh màu xanh; thoát nước xí màu đen; thoát nước sàn nước chậu rửa màu nâu; thông hơi màu vàng…

Nếu phải đặt kín phải bố trí cửa mở ra ở những chỗ cần thiết (Van, khóa, hố thăm…) để dễ dàng cho việc kiểm tra sửa chữa.

Tất cả các thiết bị (trừ bệ xí) đều phải có lưới chắn bảo vệ để phòng tắc nghẻn đường ống.

Với ống nhánh (dùng để dẫn nước thải từ các thiết bị vệ sinh vào ống đứng thoát nước) chiều dài không nên lớn quá 10m để tránh bị tắc. Nếu lớn hơn phải có giếng kiểm tra trên một khoảng cách nhất định. Với ống thoát phân, Dmin ≥100 mm; Lmax ≤ 6 m.

Khi đường ống đi qua tường, móng nhà phải cho ống chui qua một lỗ có đường kính lớn hơn đường kính ống tối thiểu 200mm, để đề phòng trường hợp nhà bị lún kéo theo làm nứt, xô lệch, làm hỏng mối nối. Khe hở có thể được nhét đầy bằng vật liệu đàn hồi như gai tẩm bitum, đất sét nhão…Không kết nối ống xả đứng với ống ngang bằng Tê/Tê cong mà phải bằng Y. Dùng T không tốt do khi chất thải chạm vào đáy của đường ống ngang, nó sẽ bắn ngược dòng lên phía thượng nguồn và có khả năng gây tắc nghẽn đường ống. Còn với Y sẽ đảm bảo cho dòng chảy đi theo một hướng nên không gây cản trở.

Kết nối ống thải chạy ngang với ống đứng bằng Tê cong tốt hơn bằng Y. Trường hợp dùng Y có thể gây cản do hệ thống thông khí hoạt động sẽ không tốt lắm.

Tham khảo một số hệ thống đã áp dụng:

Sau đây là một hệ thống thoát nước trong nhà chung cư, cho 2 khu vệ sinh phía trên. Qua đây ta nhận thấy:

  1. Các đường thoát sàn đều bố trí con thỏ chống hôi.
  2. Đường ống nằm ngang đều bố trí bịt xả thông tắc.
  3. Bố trí bổ xung thông khí vào hệ thống.
Thoát nước nhà phố
Hệ thống thoát nước cho 2 khu vệ sinh

Đường cấp:

Nước lạnh sau bể nước mái, nên dùng PVC 75 (để ngoài trời ống PVC tốt hơn nhiều so với ống PP), về trục đứng dùng ống nhiệt PP côn về 63 (có thể dùng nối HDPE cho đơn giản).

Nếu là bồn inox ren téc ra thường là 48, chỉ có thể vừa được ống 63. Bạn hãy yêu cầu cửa hàng ren thêm thành 60 hoặc 75 đều được.

Nên lắp thêm một ống thông hơi trên đỉnh trục đứng giúp nước xuống mạnh hơn.

Quy đổi đường kính khi kết nối các loại ống nước:

Hiện nay, chúng ta thường xuyên phải kết nối ống nhựa với ống kẽm, hoặc kết nối ống với các thiết bị khác như: đồng hồ, van, vòi, mặt bích...

Đối với ống bằng nhựa như HDPE, PPR hay PVC thì kích thước ống được tính là kích thước ngoài. Còn đối với ống kim loại: kẽm, thép, inox, đồng thì kích thước danh nghĩa của ống được tính là kích thước trong lòng ống.

Các loại ống này được sản xuất theo các tiêu chuẩn khác nhau nên kích thước của chúng cũng khác nhau. Có thể kể đến các tiêu chuẩn sau: DIN 8074:2011-12 cho ống HDPE; DIN 8077:2008-09 cho ống PPR; ISO 1452-5:2009 đối với ống PVC; ASTM A53 cho ống kẽm...

Ống kim loại
(đường kính trong -mm)
Ống nhựa
(đường kính ngoài -mm)
Bước ren
(inch)
PVC HDPE và PP-R
15 21 20 1/2"
20 27 25 3/4"
25 (26) 34 32 1"
32 (33) 42 40 1-1/4"
40 48(49) 50 1-1/2"
50 60 63 2"
65 75 75 2-1/2"
80 90(89) 90 3"
100 110(114) 110 4"
125 140 140 5"
150 160(168) 160 6"
175 (ống thép đen) - - 7"
200 225(220) 225 8"
250 280 280 10"
315 355 355 12"

Để kết nối các loại ống khác nhau hay giữa ống với các loại phụ kiện ống, thiết bị… bạn cần chuyển đổi về đầu ren inch tương ứng.

VD: Để nối tiếp ống kẽm 25 bằng ống HDPE 32 có thể dùng 1 nối trung gian có một đầu ren 1” như Măng sông ren ngoài 32x1″
Bạn nên xem chi tiết tại các Bảng thông số kỹ thuật ống do các hãng công bố.

Vị trí một số thiết bị sử dụng nước:

Vị trí đường ống cấp thoát Lavabo
Vị trí đường cấp cho sen tắm nóng lạnh
Nghiệm thu sự đầy đủ và đúng vị trí của từng đường ống tại tầng 1

Bảo ôn chống ồn đường thoát nước:

Nếu bạn không muốn mất ngủ vì tiếng ồn xả nước, hãy thực hiện theo hướng dẫn dưới đây, hiệu quả cực cao. Căn phòng của bạn yên lặng như ngồi trong tủ bạn nhé:

Vật liệu sử dụng: Bông đá (Rockwool, bông sợi khoáng, len đá); Bông thủy tinh (Glaswool); Bảo ôn cao su lưu hóa...

Thử áp lực đường ống cấp- thoát nước:

Hệ thống cấp thoát nước bị rò rỉ sẽ dẫn đến tình trạng thất thoát nước, sụt lún nền, thấm dột, phát tán mùi hôi… dỡ trần đục tường ra làm lại là việc làm rất tốn kém, kéo dài, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt bình thường của gia đình

Vì vậy thử kín đường ống cấp thoát nước là công việc đặc biệt quan trọng của công tác thi công và nghiệm thu

Quy định thử kín đường ống thoát nước thải và nước mưa:

Các đường ống nhánh của hệ thống thoát nước đặt trong nền đất hoặc trong các rãnh của sàn được thử trước khi lấp kín chúng bằng cách đổ đầy nước đến cốt của sàn nhà tầng 1. Còn các ống đặt trong trần nhà và trong các hành lang chữ nhật thì đổ đầy nước đến độ cao của tầng.

Thử mạng lưới thoát nước mưa trong nhà tiến hành bằng cách đổ đầy nước đến mức cao nhất của phễu thu nước mưa.

Thời gian thử là 10 phút và không cho phép rò rỉ. Độ kín của các mối nối và những chỗ rò rỉ được xác định bằng cách quan sát bên ngoài của các mối nối và theo mức nước trong khi thử đường ống.

Chỉ dẫn kỹ thuật thử áp đường ống cấp nước phương pháp thủy lực (cả nóng và lạnh):

Tiến hành trước khi lắp đặt các dụng cụ lấy nước/ trước khi lấp đất. hoàn trả mặt bằng.

Có thể thử với từng đoạn ống riêng biệt hoặc thử nghiệm với từng tuyến ống. Có thể kết hợp thử nghiệm cả thiết bị và mối nối:

  • Bổ trí hệ thống thiết bị: Van nạp nước vào hệ thống lắp tại điểm thấp nhất của hệ thống; Van xả khí của hệ thống phải được lắp ở vị trí cao nhất- xa nhất của hệ thống. Có thể lắp một hay nhiều van xả khí; Đồng hồ đo áp cho hệ thống phải được kiểm định và còn hiệu lực; Tất cả các van khóa trung gian trên hệ thống phải được mở hoàn toàn.
  • Việc bơm nước vào trong ống sẽ được tiến hành một cách từ từ để đảm bảo rằng khí được thoát hết ra ngoài. Điều này rất quan trọng vì nếu như khí không thoát hết ra ngoài thì sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể gây ra khí bị nén trong lòng ống. Bơm nước vào liên tục trong đến khi đồng hồ đạt được chỉ số cho phép rồi xả van xả khí ra đến khi nước chảy xòa ra, không còn nghe tiếng xì khí. rồi đóng van xả khí lại tiếp tục bơm cho đến khi chỉ số đồng hồ đạt được mức cho phép
  • Áp lực thử bằng áp lực làm việc cộng với 5 daN/cm2 nhưng không quá 10 daN/cm(tương đương 10 kg/cm2, tương đương 10 Bar, tương đương 145 Psi), thời gian thử là 10 phút, trong thời gian đó áp lực thử giảm không quá 0,5 daN/cm2. Trong trường hợp thiết kế không nêu rõ áp lực thử (để cộng với 5 daN/cm2), tùy từng tình huống các bạn có thể thử với áp lực tối đa 10 daN/cm2.
  • Thời gian thử áp tối đa không được vượt quá 10 phút vì nếu vượt qua thời gian này, có thể việc thử áp của các bạn đã làm giảm tuổi thọ đường ống trước khi đưa vào sử dụng.

Sơ đồ, hình ảnh kết nối:

Về đơn vị đo áp suất:

  • Quy đổi bar theo “áp suất”
  • 1bar = 1.02 at (technical atmosphere- là áp suất cột nước cao 10 mét)
  • Quy đổi bar theo “hệ mét”
  • 1bar = 0.1 Mpa (megapascal)
  • 1bar = 1.02 kgf/cm2
  • 1bar = 100 kPa (kilopascal)
  • 1bar = 1000 hPa (hetopascal)
  • 1bar = 1000 mbar (milibar)
  • 1bar = 10197.16 kgf/m2
  • 1bar  = 100000 Pa (pascal)
  • Quy đổi bar theo “hệ thống cân lường”
  • 1bar = 0.0145 Ksi (kilopoud lực/inch vuông)
  • 1bar = 14.5 Psi (pound lực/inch vuông)

Nhata.net hy vọng các thông tin trong bài viết Hệ thống cấp thoát nước Nhà phố có ích cho bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *