Kỹ thuật chống thấm chân tường làm mới và khắc phục

Thấm chân tường là hiện tượng chân tường (thường từ độ cao 1.5m trở xuống) bị bong tróc, rêu mốc... rất mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tới sức khỏe.

Với các bức tường bị thấm lâu ngày, lượng nước và hơi ẩm kéo theo một lượng muối khoáng gốc clorua, sunfat ... ăn mòn và phá hủy kết cấu tường.

5 nguyên nhân gây thấm chân tường

  1. Nước từ nền ngấm lên do chân tường tầng 1 không có/ có mà không đảm bảo lớp "giằng chống thấm", để nước và hơi nước tự do đi lên.
  2. Nước từ nền, do lớp tôn nền nhà tầng 1 vượt quá "giằng chống thấm" chân tường, nước đi ngang xâm nhập. trước khi đi lên.
  3. Do nước đọng từ khe tường với nhà giáp ranh thấm ngang sang.
  4. Do nước từ nền nhà vệ sinh làm ẩm chân tường (xảy ra nhiều ở các khu chung cư).
  5. Do nước từ vòi sen nhà tắm thấm qua ron gạch ốp, trong khi các lớp vữa bên trong kém chất lượng.

Chống nước từ nền cho nhà xây mới

Hãy đổ một giằng chống thấm bằng bê tông, cao hơn lớp vật liệu tôn nền cả hai bên tường trong tương lai.

Trên bề mặt giằng bê tông thực hiện phủ một lớp chống thấm. Tham khảo phương án sử dụng tấm nhựa bitum Sikabit W15, kết dính với bê tông bằng vữa gốc xi măng polymer Sikabit 1 chuyên dùng. Xem thêm tại đây.

Lưu ý nếu có phần giằng thấp hơn lớp tôn nền thì cần chống thấm bổ xung bọc lại phần chân tường vị trí này.

Các cách làm sai khi khắc phục tường đã bị thấm

Nếu trước đây chống thấm chân tường dưới lên không đạt hiệu quả, bạn phải chuyển sang phương án chống thấm khắc phục.

Các cách làm sau là hoàn toàn không ngăn chặn nguồn thấm một cách triệt để, mà chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề:

Cách 1: Ốp gạch chân tường cao 1 mét: Chỉ để che đi che đi phần thấm ẩm. Sau 1 thời gian, hơi ẩm bị bí sẽ tiếp tục đẩy lên trên cao và phá hủy tường mức độ nặng hơn. Đã có trường hợp ốp kín toàn bộ, được một thời gian rơi cả mảng gạch ốp xuống rất nguy hiểm.

Cách 2: Đục tường ra, trát xi măng mác cao, hoặc trát với phụ gia không đúng chủng loại. Khi đó nước và hơi ẩm vẫn hút và đẩy lên qua các lỗ mao rỗng. Chưa kể khi trát mác cao thì rất dễ nứt nên vẫn thấm ẩm tường.

Cách 3: Sử dụng các vật liệu ngoại lai che phủ như giấy dán tường chống ẩm/ tấm ốp...đương nhiên không mang lại hiệu quả. Mặt khác lại càng giữ ẩm nặng nề hơn so với hiện trạng thấm ban đầu. Chỉ được thời gian ngắn các tấm dán tấm ốp sẽ bung keo và làm tường hỏng nặng hơn.

Cách 4: Đục đoạn chân tường thấm 30 - 100 cm để quét các loại sơn chống thấm, xi măng chống thấm dạng tinh thể, hoặc trát vữa chống thấm trộn phụ gia. Đây chỉ là giải quyết phần ngọn che đậy giống như ốp gạch chân tường đã đề cập.

Khắc phục bằng hóa chất thẩm thấu

Mục đích tạo lớp chống thấm hoàn toàn mới trong lòng bức tường cũ. Sử dụng Water Seal DPC/Sika Mur Injectable... bơm vào mạch vữa chân tường. Sau đó mới trát lại lớp vữa hỏng bằng phụ gia chống thấm, chống muối chuyên dụng Fosmix Liquid N800. Cách thi công cụ thể:

Bước 1: Đục bỏ lớp vữa bị thấm. Tường thấm đến đâu thì đục cao đến đó (lớp vữa này thực chất đã bị mục nát không có tác dụng).

Bước 2: Khoan lỗ để bơm dung dịch tạo giằng chống thấm.

  • Vị trí khoan cách nền ~15cm.
  • Với tường đơn khoan sâu~ 10 cm, chéo góc 50 - 55 độ so với tường, .
  • Với tường đôi khoan 2 hàng, hàng thứ nhất đúng tại mạch vữa chống thấm theo hướng vuông góc tường, độ sâu 18 - 19 cm (không khoan thủng). Hàng thứ 2 từ mạch bên trên với lỗ chéo xuống 45 độ, sâu 10 cm, giao với lỗ khoan vuông góc mạch trước đó, mục đích lỗ khoan này để tạo phễu bơm hóa chất.
  • Vệ sinh sạch sẽ lỗ khoan: Dùng máy hút hoặc thổi bụi để vệ sinh sạch bụi trong lỗ khoan

Bước 3: Bơm/rót hóa chất chống thấm:

  • Trám vữa  chống thấm kín các lỗ thủng trên tường/ trám kín lỗ khoan vuông góc (đối với tường 220mm) tránh hóa chất chảy ra ngoài.
  • Gắn các đoạn ống để dẫn hóa chất vào các lỗ khoan.
  • Bơm/rót hóa chất chống thấm Water Seal DPC vào các lỗ khoan với định mức cho tường 110 là: 1,2 - 1,3 lít/ mét dài tường. Tường 220 l~ 2,5 lít/ mét dài. Bơm nhiều lần liên tục cho đến khi đủ định mức. Giá DPC~ 1320k/5 Lít (2023).

Bước 4: Trộn phụ gia chống thấm, chống muối Fosmix Liquid N800 với nước theo tỷ lệ 1: 5 và đổ vào hỗn hợp xi cát (1 xi : 3 cát). Trát chống thấm hoàn thiện chân tường.

Bước 5: Chờ khô hoàn toàn và sơn bả hoàn thiện.

Tham khảo thêm:  Video; Water-Seal-DPC-PDF

Khắc phục bằng vữa trát

Bọc lại toàn bộ phần tường dưới nền nhà. Theo phương án này hãy đào phần đất giáp chân tường tới giằng bê tông. Sau đó thực hiện các bước tham khảo sau đây (áp dụng cho trường hợp an toàn tối đa):

Đục bỏ toàn bộ lớp vữa cũ dưới nền và phần bị thấm phía trên.

Trát lót lớp vữa mỏng bằng xi măng cát mác cao có pha latex.

Dùng chống thấm thẩm thấu gốc xi măng quét gia cường lớp vữa lót. Lưu ý phải làm ẩm liên tục trước và sau khi thi công tối thiểu khoảng 8h để hóa chất phát huy hiệu quả.

Sau khoảng 3 ngày tiếp tục thực hiện lớp màng chống thấm 2 thành phần gốc xi măng có lưới thủy tinh gia cường.

Các lớp chống thấm gốc xi măng đảm bảo sự liên kết tốt với các lớp hoàn thiện thẩm mỹ kiêm bảo vệ màng chống thấm tiếp theo.

 

Nhata.net hy vọng các thông tin trong bài viết Kỹ thuật chống thấm chân tường làm mới/ khắc phục có ích cho bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *