Chiếu sáng trong nhà ở không chỉ đóng vai trò cung cấp ánh sáng mà còn ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, tâm trạng và sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Dưới đây là những lưu ý chính khi thiết kế và sử dụng hệ thống chiếu sáng nhà ở:
Tầm quan trọng của thiết kế chiếu sáng
Thiết kế một hệ thống chiếu sáng có nghĩa là phân bổ, sắp xếp các loại đèn trong không gian kiến trúc - nội thất. Dưới đây là những lý do quan trọng giải thích vì sao không nên tùy tiện bố trí hệ thống chiếu sáng, mà nên có một thiết kế chiếu sáng thực sự:
- Đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng: Một thiết kế chiếu sáng đúng chuẩn đảm bảo ánh sáng được phân bổ đều và phù hợp với từng khu vực chức năng (phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp…).Tránh hiện tượng thiếu sáng hoặc thừa sáng: Chiếu sáng không đủ gây mỏi mắt, còn chiếu sáng quá mức gây chói mắt, khó chịu.
- Tăng cường thẩm mỹ: Ánh sáng được bố trí hợp lý giúp làm nổi bật/ nhấn các chi tiết nội thất, tranh ảnh, hoặc không gian kiến trúc; Kết hợp ánh sáng tự nhiên và nhân tạo một cách khoa học, tạo không gian sống hài hòa, dễ chịu; Một thiết kế ánh sáng tốt sẽ phù hợp với phong cách nội thất tổng thể, từ hiện đại, cổ điển đến tối giản.
- Cải thiện sức khỏe và tâm trạng: Ánh sáng hợp lý giúp bảo vệ thị lực, giảm nguy cơ mỏi mắt, nhức đầu khi sinh hoạt hoặc làm việc trong nhà. Nó cũng ảnh hưởng tích cực đến tâm lý, khi mà ánh sáng ấm áp tạo cảm giác thư giãn, ánh sáng trắng sáng làm tăng sự tập trung và năng lượng; Thiết kế ánh sáng đồng bộ với ánh sáng tự nhiên giúp cơ thể duy trì nhịp sinh học ổn định.
- Tiết kiệm, bền vững: Sử dụng đúng loại đèn và bố trí phù hợp giúp giảm điện năng tiêu thụ; Một thiết kế chiếu sáng tốt còn tận dụng tối đa ánh sáng ban ngày, giảm phụ thuộc vào ánh sáng nhân tạo; Kéo dài tuổi thọ của đèn và các thiết bị liên quan.
- Đảm bảo an toàn: Bố trí hệ thống chiếu sáng đúng kỹ thuật giảm nguy cơ cháy nổ hoặc chập điện; Ánh sáng đúng cách cũng giúp mọi người di chuyển an toàn, nhất là ở các khu vực như cầu thang, hành lang, bếp; Ánh sáng không đúng tiêu chuẩn có thể gây hại cho thị lực lâu dài.
- Tăng giá trị bất động sản: Một ngôi nhà có hệ thống chiếu sáng chuyên nghiệp sẽ tạo ấn tượng tốt hơn với người mua hoặc thuê nhà.
Gần đây, việc thiết kế chiếu sáng phần nào được chú ý đúng mức. Khác với trước kia, phần chiếu sáng thường ở nội dung thiết kế điện, thậm chí nằm chung bản vẽ mặt bằng bố trí với các thiết bị điện khác, do kỹ sư điện đảm nhiệm. Khi chưa có một chuyên ngành chiếu sáng riêng, với những chuyên gia am hiểu về thẩm mỹ kiến trúc, vật lý kiến trúc và kỹ thuật điện, thì việc phối hợp giữa kiến trúc sư và kỹ sư điện là cần thiết để đưa ra giải pháp hệ thống chiếu sáng phù hợp trên nhiều phương diện.
Khái niệm "Chơi sáng"
Khái niệm "Chơi sáng": được hiểu ở cả hai góc độ: thiết kế - lắp đặt và sử dụng hệ thống chiếu sáng. Và điều mấu chốt là ánh sáng đẹp chứ không phải đèn đẹp!
"Chơi sáng" đúng cách – Nghệ thuật của sự cân bằng
Một hệ thống chiếu sáng lý tưởng phải đáp ứng cả ba yếu tố: hợp lý, thẩm mỹ, và kinh tế. Tiết kiệm quá sẽ dẫn đến thiếu sáng, khiến không gian trở nên u ám. Trong khi đó, việc tăng công suất bóng không phải là giải pháp, bởi ánh sáng sẽ phân bố không đều. Ngược lại, lắp đặt quá nhiều đèn không chỉ lãng phí mà còn dễ gây ra "ô nhiễm ánh sáng" – một hiện tượng rối loạn thị giác khiến mọi người cảm thấy khó chịu trong không gian quá sáng hoặc loạn sáng.
Thực tế, không ít thiết kế ánh sáng mắc lỗi này: hoặc quá thiếu, hoặc thừa thãi đến mức dư thừa. Bí quyết "chơi sáng" khoa học là phối hợp các nguồn sáng để tạo nên các kịch bản chiếu sáng linh hoạt, phù hợp từng tình huống sống, từ sinh hoạt hằng ngày đến các dịp đặc biệt.
"Chơi sáng" từ phía người sử dụng
Nghệ thuật "chơi sáng" không chỉ nằm ở thiết kế, mà còn ở cách bạn vận dụng hệ thống chiếu sáng trong từng hoàn cảnh cụ thể. Đây là cách tối ưu hóa công năng, thẩm mỹ và độ bền của hệ thống, đồng thời tiết kiệm năng lượng. Chẳng hạn:
- Bật đèn hợp lý theo mục đích: Tiếp khách xã giao nên dùng ánh sáng chung sáng rõ, đều hai phía. Với khách thân mật hay trò chuyện riêng tư, hãy giảm độ sáng và dùng đèn trang trí để tạo không gian ấm áp.
- Chiếu sáng theo cảm xúc: Khi nghe nhạc, giảm bớt đèn để tăng cảm nhận thính giác. Khi ăn, ánh sáng bàn ăn phải đủ rõ để tôn lên sự hấp dẫn của món ăn. Đặc biệt, khi trang điểm hay soi gương, đèn gương là bắt buộc để nhìn màu sắc trung thực.
- Tránh sai lầm phổ biến: Một số người lầm tưởng bật càng nhiều đèn càng sang trọng, nhưng thực tế lại gây ô nhiễm ánh sáng. Trong khi đó, nhiều người đầu tư hệ thống đèn đẹp nhưng "lười" bật, chỉ để không gian sáng tối thiểu – một sự lãng phí đáng tiếc.
Bí quyết tạo không gian ánh sáng lý tưởng
- Ánh sáng phù hợp nhịp sinh học: Vào buổi tối, hãy tránh ánh sáng trắng hoặc quá sáng, vốn chỉ phù hợp cho không gian công cộng hay bệnh viện. Thay vào đó, ánh sáng dịu nhẹ, ấm áp giúp bạn thư giãn, tái tạo năng lượng.
- Xây dựng các kịch bản: Không gian sống sẽ thú vị hơn nếu bạn thiết kế các kịch bản ánh sáng khác nhau: từ chiếu sáng mạnh khi tiếp khách, ánh sáng nhẹ nhàng khi chill, đến ánh sáng ấm áp khi ăn tối hoặc thư giãn một mình.
- Bố trí công tắc thông minh: Để "chơi sáng" thuận tiện, các công tắc cần được bố trí hợp lý, dễ nhận biết theo khu vực và tuyến giao thông. Tránh việc dồn quá nhiều công tắc tại một vị trí, hoặc công tắc khó nhớ khiến bạn liên tục bật nhầm sẽ gây tâm lý rất khó chịu.
Một số đại lượng ánh sáng
Quang thông (luminous flux):
Là đại lượng đo lường tổng lượng ánh sáng mà một nguồn sáng phát ra, theo mọi hướng. Đơn vị của quang thông là lumen (lm).
Cường độ sáng (luminous intensity):
Là đại lượng đo lường mức độ ánh sáng phát ra theo một hướng cụ thể từ nguồn sáng. Đơn vị đo cường độ sáng là candela (cd).
Khác với quang thông (tổng lượng ánh sáng phát ra). Nó thường được sử dụng để đánh giá các nguồn sáng định hướng, như đèn pha, đèn chiếu điểm. Ví dụ: Một đèn LED phát ra 300 lumen nhưng tập trung ánh sáng vào một góc nhỏ có thể có cường độ sáng cao, trong khi một đèn phát ánh sáng ra mọi hướng sẽ có cường độ sáng thấp hơn dù cùng quang thông.
Độ rọi (illuminance):
Là đại lượng đo lượng ánh sáng (quang thông) chiếu lên một đơn vị diện tích. Đơn vị của độ rọi là lux (lx), với 1 lux tương đương với 1 lumen/m² Lux). Độ rọi giúp đánh giá sự đủ sáng và phù hợp của nguồn sáng cho từng không gian và mục đích sử dụng.
Góc chiếu sáng (beam angle):
Là góc mà ánh sáng phát ra từ một nguồn sáng tập trung, được đo giữa hai đường thẳng nơi cường độ ánh sáng giảm còn 50% so với cường độ tối đa. Góc này quyết định cách ánh sáng được phân bố trong không gian.
Sử dụng các loại góc chiếu sáng phù hợp với các đối tượng khác nhau.
Góc lớn (>60°): Ánh sáng tỏa rộng, bao phủ không gian lớn, thường dùng cho đèn trần hoặc đèn chiếu sáng chung.
Góc chiếu đến 120° được gọi là đèn tán quang, ánh sáng trải đều khắp không gian xung quanh. Được ứng dụng phổ biến với không gian chiếu sáng dân dụng từ nhà ở, trường học, văn phòng, khách sạn cho đến cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, …
Các hình thức chiếu sáng
1- Chiếu sáng trực tiếp:
Là kiểu chiếu sáng thường được tạo ra/ xuất phát từ các loại đèn trần, đèn tường chiếu thẳng xuống dưới. Kiểu chiếu sáng này phổ biến và hiệu quả về công năng do ít bị tường trần hấp thụ. Nhược điểm là gây chói, nhàm chán, thiếu cảm xúc, tạo nên các bóng râm- sấp bóng.
Chiếu sáng trực tiếp hiệu quả khi được kết hợp với các hình thức chiếu sáng khác như gián tiếp hoặc trang trí, để tạo sự cân bằng ánh sáng và tăng tính thẩm mỹ cho không gian.
2- Chiếu sáng gián tiếp (Indirect Lighting):
Là kiểu chiếu sáng được tạo ra từ các loại đèn được che nguồn phát sáng trực tiếp (được giấu đi), hắt ra và phản xạ. Đặc điểm dịu nhẹ dễ chịu, mảng ánh sáng đẹp tạo được hiệu quả thẩm mỹ. Nhược điểm hiệu quả thấp. Thường được kết hợp để bổ sung cho chiếu sáng trực tiếp, làm ánh sáng trong không gian sinh động hơn.
3- Chiếu sáng tổng thể (Ambient Lighting):
Là cấp độ ánh sáng đầu tiên mà người ta nghĩ tới. Nó cung cấp ánh sáng khá đồng đều cho toàn bộ không gian, giúp mọi người dễ dàng di chuyển và sinh hoạt. Ánh sáng có đặc điểm dịu nhẹ, không tạo bóng rõ nét.
Thường được tạo ra bởi đèn trần, đèn âm trần, hoặc đèn treo, từ ánh sáng trực tiếp hay gián tiếp đều được. Song cần bố trí đủ, đều, không quá chói. Sử dụng các loại bóng đèn khác nhau sẽ thay đổi sự ấm áp của căn phòng.
Điểm yếu của ánh sáng chung là không làm nổi bật được những điểm cụ thể trong thiết kế nội thất.
4- Chiếu sáng chức năng (Task Lighting):
Đáp ứng nhu cầu cho riêng cho một không gian làm việc.
Chiếu sáng tập trung rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc và sức khoẻ, tâm lý người sử dụng. Ví dụ: chiếu sáng cho khu vực nấu bếp, chiếu sáng bàn ăn, bàn làm việc... Cần tính toán kỹ về cường độ sáng, màu sắc và đặc thù ánh sáng để chọn đèn cho phù hợp.
Chiếu sáng khu vực nhất thiết sử dụng nguồn sáng trực tiếp
5- Chiếu sáng điểm nhấn (Accent Lighting):
Để thu hút sự chú ý vào một đối tượng trong không gian nội thất như các tác phẩm nghệ thuật, mặt bàn, vật dụng trang trí hoặc các thiết kế kiến trúc độc đáo.
Sử dụng đèn có cường độ sáng mạnh, thường gấp 2-3 lần so với chiếu sáng chung.
6- Chiếu sáng trang trí (Decorative Lighting):
Mục đích tăng tính thẩm mỹ và tạo không gian ấn tượng.
Là sự kết hợp giữa ánh sáng và thiết kế đèn độc đáo. Thường sử dụng đèn chùm, đèn thả nghệ thuật, hoặc đèn dây LED trang trí.
7- Chiếu sáng ngoài trời (Outdoor Lighting):
Cung cấp ánh sáng cho không gian ngoài trời như lối đi, sân vườn, ban công, mặt tiền nhà... đảm bảo an toàn và thẩm mỹ. Ánh sáng chịu được thời tiết khắc nghiệt. Thường sử dụng đèn sân vườn, đèn đường, đèn cảm biến chuyển động.
8- Chiếu sáng an ninh (Security Lighting):
Đảm bảo an toàn, phòng ngừa các hành vi xâm nhập bất hợp pháp từ các hướng như lối vào nhà, cổng, khu vực sân sau.. Sử dụng ánh sáng mạnh, thường được kích hoạt bằng cảm biến chuyển động. Thường sử dụng đèn pha, đèn cảm biến.
9- Chiếu sáng khẩn cấp (Emergency Lighting):
Hỗ trợ khi có sự cố mất điện hoặc tình huống khẩn cấp, thường lắp ở thang máy, lối thoát hiểm, hành lang công cộng... Sử dụng đèn pin, đèn chiếu sáng thoát hiểm, đèn khẩn cấp tự động bật khi mất điện.
Nhiệt độ màu (Correlated Color Temperature - CCT)
Là chỉ số biểu thị màu sắc của ánh sáng phát ra từ một nguồn sáng, được đo bằng đơn vị Kelvin (K). Nó mô tả cảm nhận màu sắc của ánh sáng, từ ánh sáng ấm (vàng, đỏ) đến ánh sáng lạnh (trắng, xanh).
Màu sắc của một vật bạn nhìn thầy bị ảnh hưởng nhiều bởi nhiệt độ màu chiếu vào nó. Vì vậy người ta ứng dụng nhiệt độ màu phù hợp cho từng loại không gian:
- Ánh sáng ấm (< 3300K): Phòng ngủ, phòng khách, nhà hàng, quán cafe – những nơi cần sự ấm cúng và thư giãn.
- Ánh sáng trung tính (3300K - 5300K): Văn phòng, nhà bếp, khu vực học tập – tạo cảm giác thoải mái, tự nhiên, tăng sự tập trung trong khi không quá lạnh.
- Ánh sáng xanh lạnh (> 5300K): Nhà máy, bệnh viện, bãi đỗ xe, hoặc các khu vực công cộng – nơi cần sự sáng rõ, chính xác và năng suất cao.
Hiểu rõ nhiệt độ màu giúp bạn lựa chọn đúng nguồn sáng, tối ưu hóa không gian sống và làm việc, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chỉ số hoàn màu (Color Rendering Index - CRI)
Là thước đo khả năng của một nguồn sáng trong việc tái tạo màu sắc của vật thể so với ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng tiêu chuẩn. CRI được biểu thị bằng một giá trị từ 0 đến 100, với giá trị càng cao thì màu sắc của vật thể dưới ánh sáng đó càng chính xác và tự nhiên.
Một số thông số tham khảo: Ánh sáng mặt trời vào ban ngày có chỉ số hoàn màu cao nhất với Ra = 100; Ánh sáng đèn huỳnh quang Ra=50-70, màu sắc hơi bị biến đổi; Ánh sáng đèn đường cao áp Ra=26, màu sắc nhợt nhạt không đúng thực tế.
Ứng dụng của CRI
- Yêu cầu cao về màu sắc (CRI ≥ 90):
- Phòng trưng bày, bảo tàng: Đèn cần tái tạo màu sắc trung thực của tác phẩm nghệ thuật.
- Cửa hàng thời trang, mỹ phẩm: Giúp khách hàng thấy rõ màu sắc thực tế của sản phẩm.
- Phòng khám, bệnh viện: Ánh sáng chính xác hỗ trợ phân biệt màu sắc (như da, máu).
- Mức độ thông thường (CRI 80 - 90):
- Văn phòng, trường học: Đáp ứng đủ nhu cầu tái tạo màu sắc trong sinh hoạt và làm việc.
- Nhà ở: Tạo không gian tự nhiên và dễ chịu.
- Yêu cầu thấp (CRI < 80): Kho bãi, nhà máy, bãi đỗ xe: Không cần tái tạo màu sắc chính xác, chỉ cần ánh sáng rõ.
Nhata.net hy vọng các thông tin trong bài viết Đại cương về chiếu sáng có ích cho bạn!