Tầm quan trọng của việc dưỡng ẩm vữa xi măng

Bài viết này nhấn mạnh tầm quan trọng và một số phương pháp dưỡng ẩm vữa xi măng ( bao gồm vữa xây trát và vữa bê tông).

Xi măng là loại vật liệu kết dính thủy lực (kết hợp với nước) ở dạng bột mịn, khi nhào trộn với nước sẽ tạo thành hỗn hợp dẻo. Dưới tác dụng của nước, hỗn hợp xảy ra phản ửng thủy hóa, hình thành quá trình ninh kết rồi chuyển sang trạng thái đóng rắn, chắc như đá.

Tầm quan trọng của việc cấp nước dưỡng ẩm cho vữa xi măng

Để hiểu được tầm quan trọng, bạn hãy quan sát quá trình hình đóng rắn của xi măng cần gì?

  1. Giai đoạn hòa tan: Diễn ra khoảng 1 - 3h sau khi trộn xi măng với nước. Các thành phần khoáng clinker sẽ tác dụng với nước ngay trên bề mặt hạt xi măng. Những phản ứng hóa học tạo thành những chất mới và tan ra.
  2. Giai đoạn hình thành cấu trúc đông tụ: Các phản ứng hóa học tiếp tục xảy ra và liên tục tạo thành các chất mới, dung dịch nhanh chóng trở nên quá bão hòa. Nước tiếp tục mất đi, các sản phẩm mới càng nhiều. Chúng liên kết lại với nhau thành tinh thể và dần chuyển sang thể liên tinh làm cho cả hệ thống hóa cứng, hình thành cường độ của xi măng, bắt đầu quá trình đóng rắn của xi măng.
  3. Giai đoạn hình thành cấu trúc ban đầu: Quá trình phát triển tinh thể tiếp tục làm cho cường độ  tăng lên nhanh chóng. Đối với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, tùy theo từng vùng, thời gian cần thiết để xi măng hình thành được cấu trúc không bị thay đổi dưới tác động của các quá trình vật lý có thể khác nhau: Miền Bắc mùa hè và Miền Nam từ 2,5 - 5h; Mùa Đông từ 5 - 10h.
  4. Giai đoạn hình thành cấu trúc đóng rắn: Xi măng tiếp tục phát triển cường độ. Trong giai đoạn này, cường độ tiếp tục gia tăng nhanh nhờ sự tiếp tục thủy hóa phần xi măng chưa kịp thủy hóa ở các giai đoạn trước. Các sản phẩm thủy hóa sẽ bồi đắp cho các lỗ rỗng trong cấu kiện, làm cho thành phần rỗng giảm đi và xi măng đạt cường độ nhất định.

Như vậy sau khi cấu kiện sử dụng vữa xi măng định hình được CẤU TRÚC BAN ĐẦU, cần liên tục CẤP NƯỚC để hạt xi măng tiếp tục thủy hóa thành công.

Sau đây là biểu đồ phát triển cường độ của vữa xi măng khi được cấp đủ nước:

Ngày tuổi % theo mác yêu cầu
1 16
3 40
7 65
14 90
28 99

Ở chiều ngược lại, nếu để xảy ra thiếu nước cấu kiện dùng vữa xi măng sẽ:

  • Nóng lên, nứt nẻ (là nguyên nhân hàng đầu gây ra sự giảm yếu kết cấu và thấm dột sau này).
  • Vữa khô trắng, nứt nẻ, mục nát, không đủ cường độ. Cường độ tại mọi thời điểm đều kém hơn so với bảng trên và sau 28 ngày sẽ nằm lại vĩnh viễn ở mốc mà nó có thể đạt được, đôi khi chỉ được 50%. Và như vậy bạn phí tiền mua vữa mác cao để làm gì?
  • Ngôi nhà của bạn trông hình thức vẫn vậy, nhưng thực chất rất yếu. Chỉ bằng một phần so với công trình được bảo dưỡng đúng quy trình.
Dưỡng ẩm
Chất lượng vữa sụt giảm nghiêm trọng nếu không cấp đủ nước

Nói đến đây là bạn đã hiểu được tầm quan trọng của NƯỚC với chất lượng vữa xây trát/ bê tông rồi chứ? Vì vậy bạn nên yêu cầu thợ trình bày trước phương án bảo dưỡng (thậm chí phải đưa vào hợp đồng để việc thực hiện được nghiêm). Thời hạn bảo dưỡng càng dài về sát mốc 28 ngày càng tốt. Hãy đặc biệt chú trọng 3 ngày đầu sau đó có thể giảm dần.

Trong trường hợp này có gì rất giống câu nói: "Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn".

Các biện pháp dưỡng ẩm vữa xi măng

Nhata.net xin giới thiệu một số hình ảnh và phương pháp dưỡng ẩm các cấu kiện trong thực tế:

Dưỡng ẩm bê tông sàn:

Bê tông sàn sau khi làm mặt thì tiến hành phủ ngay lên bề mặt hở vật liệu làm ẩm/ vật liệu cách nước như là ni lông này vải bạt hoặc phun chất tạo màng để ngăn nước bốc hơi.

Thời hạn bảo dưỡng ban đầu kéo dài cho tới khi bê tông đạt được giá trị một cường độ nén nhất định để có thể tưới nước trực tiếp lên bề mặt bê tông mà không gây hư hại.

Giai đoạn tiếp theo thời gian bảo dưỡng bê tông được quyết định theo từng hạng mục như là sàn, dầm, cột... và cường độ phát triển của khối bê tông. Thông thường khi đổ bê tông được khoảng 3 ngày là ta sẽ thấy chúng phát triển mạnh nhất, đạt khoảng 40% cường độ. Sau bảy ngày thì đạt 60% và đạt 100% sau hai mươi tám ngày. 2 mốc cần quan tâm đặc biệt là 3 ngày đầu và 7 ngày tiếp theo.

Trong 3 ngày đầu tiến hành tưới nước 3 giờ 1 lần. Ban đêm tối thiểu 1 lần.

Các ngày tiếp theo thì mỗi ngày tưới đủ 3 lần. Tưới tối thiểu đến ngày thứ 18

Lưu ý trong hai ngày đầu tiên sau khi đổ bê tông nếu gặp trời mưa lớn thì phải tiến hành che chắn tránh nước mưa rơi xuống làm rỗ bề mặt

Dưỡng ẩm
Cắt nilon và trát vữa làm gờ giữ nước dưỡng ẩm sàn bê tông

Hoặc hãy dùng nilon/ bao bố phủ kín để hạn chế nước bay hơi rồi phun nước thường xuyên

Dưỡng ẩm
Dưỡng ẩm bề mặt sàn bằng nilon

Dưỡng ẩm bê tông móng:

Dưỡng ẩm
Dưỡng ẩm bê tông móng bằng cách cấp nước liên tục

Dưỡng ẩm bê tông cột dầm:

Vật liệu giữ nước tốt nhất là các bỏ bao bố, có bán sẵn trên thị trường.

Dưỡng ẩm
Bọc kín dầm cột để cấp và giữ nước cho bê tông
Dưỡng ẩm
Tưới nước tối thiểu 3 lần/ngày với bê tông cột chưa tháo cốp pha

Bảo dưỡng khối xây:

Trước đó bạn phải ngâm gạch qua đêm, vớt ra để ráo trước khi xây. Nếu lõi gạch còn khô, nó sẽ tranh chấp hút khô nước của vữa xây.

Dưỡng ẩm
Dưỡng ẩm khối xây liên tục 3 lần/ ngày sau khi vữa xây định hình

Bảo dưỡng lớp vữa trát:

Hãy tưới nước sau khi trát 1 ngày, liên tục trong 3 ngày kế tiếp,mỗi ngày tối thiểu 2 lần. Tránh cho lớp vữa bị nứt rạn chân chim và giảm cường độ, là nguyên nhân hàng đầu gây ra thấm dột và rêu mốc sau một thời gian sử dụng.

Dưỡng ẩm
Dưỡng ẩm vữa trát chống nứt chống ộp

Trước đó bạn cũng phải nhớ tưới nước khối xây thật kỹ, để ráo trước khi vào vữa trát.

Nhata.net hy vọng các thông tin trong bài viết Tầm quan trọng của việc dưỡng ẩm vữa xi măng có ích cho bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *