Kiểm định hồ sơ thiết kế

Việc thiếu kiểm định hồ sơ thiết kế (kiểm tra đánh giá) sẽ dẫn đến chất lượng thiết kế thấp trước khi xây nhà. Việc này gây rất nhiều tác hại cho bạn, vì MỘT NÉT VẼ SAI trên bản vẽ thì ngoài công trình tốn biết bao thời gian công sức khắc phục. Nhẹ thì KÉO DÀI thời gian xây dựng, tăng chi phí. Nặng hơn thì chất KÉM chất lượng, tính thẩm mỹ kém, sử dụng bất tiện. Nặng hơn nữa thậm chí gây nguy SẬP ĐỔ, hỏa hoạn, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường...

Dù bạn đã thuê được KTS giỏi, trả tiền xứng đáng nhưng nếu bạn không biết hết/ hoặc không nhờ người thẩm tra, khả năng bạn không có được sản phẩm tương xứng là RẤT C AO. Bởi ngoài giỏi ra còn cần KTS đó không quá bận việc và dành nhiều thời gian tâm huyết cho bạn, biết phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan như kết cấu, điện nước, chiếu sáng...

Checklist hồ sơ
Checklist hồ sơ Thiết kế

Về công tác kiểm tra hồ sơ thiết kế, các việc sau đây là chuyên môn của các Kỹ sư tư vấn. Tuy nhiên bạn cũng có thể tham khảo để biết và có thể tự yêu cầu bên thiết kế kiểm tra/bổ xung theo hướng dẫn sau:

Tại bản vẽ Kiến trúc:

Kiểm tra số lượng bản vẽ:

  1. Mặt bằng định vị công trình.
  2. Các mặt bằng, trên đó đầy đủ: Kích thước tim trục và định vị; định hướng bố trí nội thất (giường/ tủ/ tab/ bàn bếp/ bàn ăn/ sofa...); định hướng bố trí thiết bị (bể chìm/ máy giặt/ máy sấy/ tủ lạnh/ bồn nước/ thái dương năng...)
  3. Các mặt đứng, mặt cắt. Mặt cắt các diện tường.
  4. Sự tuân thủ tiêu chuẩn PCCC.
  5. Vị trí và kích thước các hộp kỹ thuật.
  6. Thang và lỗ mở lên mái.
  7. Kiểm tra sự hợp lý của điều hòa trong không gian kiến trúc và điều kiện kỹ thuật.
  8. Sự hợp lý khi bố trí nội thất sau này.
  9. Bản vẽ chi tiết và sự hợp lý về kích thước của các không gian: Nhà vệ sinh; bếp; cầu thang bộ; thang máy; khu rửa/giặt tay.
  10. Bản vẽ chi tiết của các bộ phận/cấu kiện: Xiên hoa; lan can; bồn hoa; mái kính; hốc tường; các trục kỹ thuật; lối lên mái; hàng rào; cổng ...
  11. Sự hợp lý của các độ dày tường 220mm và 110mm.
  12. Bản vẽ lát nền.
  13. Mặt bằng bố trí cửa; bản vẽ chi tiết và thống kê cửa.
  14. Mặt bằng trần- đèn- quạt.
  15. Thống kê các loại/ mã màu vật liệu ngoại thất; 3D ngoại thất.

Kiểm tra chất lượng bản vẽ:

  • Kiểm tra bố trí công năng: sự hợp lý; giao thông; tâm lý; nội thất định hướng.
  • Cắt bỏ các nét thừa, giản hóa kiến trúc.
  • Kiểm tra sự đầy đủ công năng: sảnh; kho; khu sơ chế dưới sàn; khu giặt phơi; khu giặt tay; phòng thờ...
  • Chiều dày tường.
  • Kiểm tra kích thước các không gian theo nhân trắc học.
  • Khoảng cách xây tường thô, liên quan đến kích thước hoàn thiện; liên quan đến bố trí dầm đỡ.
  • Cửa: vị trí; phương án mở; kích thước bao
  • Cửa: kích thước phong thủy; chất liệu; kích thước bao ngoài.
  • Kiểm tra lỗ mở trên tường xây, yêu cầu phù hợp với khuôn bao cửa.
  • Hộp kỹ thuật: đầy đủ; hợp lý.
  • Thoát nước: độ dốc; chênh cao; sê nô/ máng thu; phễu thu/thoát.
  • Việc tận dụng các hốc tường.
  • Nội dung yêu cầu kết cấu phối hợp.
  • Các lớp cấu tạo: mái, sàn, ban công, nền vệ sinh, sân hè...
  • Phương án bố trí cục nóng, mặt lạnh, đường nước ngưng ĐHKK.
  • Trần- đèn- hộc rèm... phù hợp với nội thất định hướng.

Tại bản vẽ Kết cấu:

Kiểm tra số lượng bản vẽ:

  1. Cấu tạo chung.
  2. Kết cấu cọc, móng, dầm. sàn, cột, cầu thang, lanh tô, tấm đan.
  3. Bảng thống kê thép thể hiện hình dáng kích thước, số lượng của từng thanh.

Kiểm tra chất lượng bản vẽ:

  • Thiết kế hợp lý, không lãng phí.
  • Cấu tạo chung: Mác bê tông; chủng loại thép; neo nối thép; chiều dày các lớp bảo vệ; cấu tạo thép đai; thép tại các vị trí nút giao; gia cường lỗ mở;
  • Lỗ chờ: hộp kỹ thuật; đường ống CTN, điện, điều hòa không khí.
  • Thống kê thép: phù hợp cấu tạo chung; số lượng chính xác.
  • Sự đầy đủ và chính xác các chi tiết giằng tường, giằng chống thấm, lanh tô, tấm đan.
  • Giảm bớt các dầm không cần thiết để dễ thi công và tạo không gian thoáng đãng.
  • Giảm bớt kích thước một số cấu kiện tạo sự thanh thoát cho kiến trúc.
  • Việc trừ kích thước cho các lớp hoàn thiện/ các khoảng cần dôi dư như hố pít thang máy.
  • Đỉnh dầm không lộ vào nền khu vệ sinh/ ban công.

Tại bản vẽ hệ thống điện:

Kiểm tra số lượng bản vẽ:

  1. Ký hiệu chung.
  2. Sơ đồ một sợi/ nguyên lý cung cấp điện và điện nhẹ (truyền hình/ mạng LAN/ camera).
  3. Hệ thống cấp điện: Ti vi; máy giặt; bơm hút; bơm tăng áp; van phao điện; lọc nước/ lọc nước tổng; điều hòa; bếp nấu; máy rửa bát; lò nướng/ vi sóng;  tủ lạnh; cây nước; thang máy; cửa cuốn; đèn sưởi; hút mùi/ thông gió cưỡng bức; bình NL; ban thờ; rèm tự động; phơi thông minh; bàn là; cục wifi; chuông điện; camera...
  4. Các line chiếu sáng: trần, tường, tranh, tượng, sofa, chậu cây, gương, ngủ, chân giường ngủ, tủ áo, tủ rượu, đèn thả, bậc thang, cầu thang, hộc tường, mặt bàn, mặt bếp, chiếu điểm, ngoại thất, trực tiếp, gián tiếp...
  5. Hệ thống quạt trần/tường.
  6. Hệ thống thông gió cưỡng bức tại bếp, phòng thờ, khu vệ sinh, phòng ngủ...
  7. Các bản vẽ điện nhẹ: chống sét, tiếp địa thang máy, tiếp địa hệ thống, camera, mạng internet, mạng âm thanh...
  8. Mặt bằng nối đất tầng 1.
  9. Mặt bằng chống sét tầng mái.
  10. Chi tiết lắp đặt.
  11. Thống kê khối lượng.

Kiểm tra chất lượng bản vẽ:

  • Có thể thiếu sót: Tủ điện mái; cấp và đóng ngắt nguồn wifi; cửa cuốn; lộ chờ sân vườn; cửa cuốn; chiếu sáng ngoài nhà; đèn mặt bàn bếp, đèn hắt chân tủ bếp; đèn tủ rượu, tủ áo; điện bồn cầu thông minh;
  • Tại chi tiết lắp đặt có đầy đủ, chính xác các vị trí và cao độ cấp điện.

Tại bản vẽ hệ thống cấp thoát nước:

Kiểm tra số lượng bản vẽ:

  1. Ký hiệu và thuyết minh chung.
  2. Sơ đồ nguyên lý cấp nước và thoát nước.
  3. Các mặt bằng cấp nước và thoát nước (tầng 1 vẽ riêng, các tầng trên vẽ chung).
  4. Chi tiết cấp nước và thoát nước khu vệ sinh, khu bếp (mặt bằng, sơ đồ không gian).
  5. Kiểm tra số lượng vị trí bố trí các vòi cấp nước.
  6. Chi tiết bể tự hoại.
  7. Chi tiết lắp đặt chung.
  8. Cấp nước: Ngoài nhà; sân vườn; trên mái; khu rửa bệt sàn; lấy nước khu vệ sinh
  9. Thoát nước: Bồn hoa; ban công; lô gia; mái; sân vườn.

Kiểm tra chất lượng bản vẽ:

  • Kiểm tra kích thước các đường ống, việc sử dụng côn/ cút hợp lý.
  • Kiểm tra thông khí hệ thống.
  • Kiểm tra các vòi lấy nước: khu vệ sinh; rửa xe; tưới cây; rửa sàn; giặt tay; máy giặt máy sấy;
  • Thăm thoát nước;
  • Hệ thống tăng áp;
  • Hệ thống nóng lạnh.
  • Hệ thống van khóa.
  • Sự phối hợp với kết cấu trong việc đi chìm dấu các đường ống cấp thoát.
  • Nắp kiểm tra ;bẫy mỡ; thông tắc.

Bản vẽ nội thất:

Bố trí THÔNG MINH, tiện nghi.

Vật liệu cập nhật, phù hợp.

Màu sắc hài hòa.

Về tiến độ thực hiện một bộ hồ sơ thiết kế:

Nếu ai cũng bận thường xuyên lỡ hẹn trao đổi, đơn vị thiết kế nhiều việc, có thể bạn mất trên 3 tháng mới có thể xong một bộ hồ sơ.

Còn nếu bạn BÁM SÁT quá trình thiết kế để cho ý kiến kịp thời và ít thay đổi, đôn đốc thực hiện, hợp đồng chặt chẽ- tiến độ thực hiện một ngôi nhà phố 5 tầng có thể hoàn thành trọn vẹn trong 45 ngày, với tiến độ định hướng như sau:

Tiến độ thiết kế

Làm thế nào để có được bộ hồ sơ thiết kế tốt:

Phải hội tụ đủ 3 yếu tố sau:

  1. Bạn không không được tham RẺ. Đã rẻ thì cơ bản là không có tốt là điều ĐƯƠNG NHIÊN.
  2. Gặp được đơn vị thiết kế tốt, bài bản: Lưu ý ĐA SỐ các đơn vị thiết kế, nhất là các đơn vị nhỏ, sẽ không có người kiểm tra sửa lỗi (KCS) trước khi giao cho bạn, đẩy mọi mâu thuẫn sai xót cho bạn xử lý trong quá trình thi công.
  3. Bạn phải hiểu biết hoặc thuê đơn vị tư vấn độc lập kiểm tra nghiệm thu (THẨM TRA) cho bạn: Bởi để có được bộ hồ sơ đầy đủ chu đáo mất rất công sức. Đơn vị thiết kế họ cũng làm vì lợi nhuận, nên bớt được công đoạn nào cũng tốt cho họ cái đó. Hơn nữa, không ai muốn làm điều gì quá tốt cho một người không biết phân biệt tốt xấu cả.

Nhata.net hy vọng các thông tin trong bài viết Kiểm định hồ sơ thiết kế có ích cho bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *