Hướng dẫn lựa chọn thang máy nhà phố

Nhata.net giúp bạn một số vấn đề liên quan đến lựa chọn thang máy cho nhà phố.

Xu hướng:

Trước đây chỉ nhà cao trên 5 tầng mới lắp thang máy, thì bây giờ thậm chí 3 tầng cũng lắp. Vì thực sự nó mang lại nhiều giá trị sử dụng:

  • Rất hiện đại, rất đẹp, nâng tầm đẳng cấp của ngôi nhà
  • Rất tiện nghi trong việc đi lại, nhất là với người già và trẻ nhỏ

Mặt khác giá thang hiện nay đã rất rẻ, chỉ từ hơn 200 triệu, là một khoản đầu tư khiêm tốn trong tổng giá trị xây dựng vài ba tỷ đồng cho một ngôi nhà phố.

Thiết kế thang linh hoạt, có nhiều mức độ kích thước, từ chỉ 1,5 m2 cho 2-3 người đi, đến 3 m2 cho 6-7 người.

Thang máy nhà phố
Chỉ với một ô trống hơn 1m2 đã có thể lắp đặt được thang máy

Khi bạn có nhu cầu, rất nhiều hãng sẽ chào mời, tư vấn tận tình cho bạn. Nhata.net chỉ lưu ý bạn một số điều mà có thể họ sẽ chưa nói kịp với bạn:

  • Bạn nên làm việc với nhà cung cấp và quyết định loại thang ngay từ rất sớm, trước cả khi thiết kế nhà, để KTS cập nhật vào bản vẽ. Mọi sự thay đổi khi đã thi công nếu có sẽ rất tốn kém.
  • Với nhà phố, bạn nên dùng loại thang lồng kính hoặc ít nhất có một mặt là kính. Bởi khi thang không may bị sự cố, người bên trong không bị cô lập sẽ thoải mái hơn trong thời gian chờ người đến sửa. Đồng thời thang lồng kính trông đẹp hơn
  • Bạn yêu cầu KTS thiết kế giảm bề rộng thang bộ để tránh lãng phí, do thang bộ lúc này chỉ là phương án dự phòng. VD với nhà phố 5 tầng vế cầu thang bộ chỉ cần 80cm là đủ.

Với nhà cũ cải tạo, đòi hỏi Tư vấn có kiến thức chuyên môn thật tốt vì liên quan đến nhiều lĩnh vực: Kiến trúc, kết cấu, điện, chống thấm…

Bố trí thang máy trên mặt bằng:

Vị trí thang máy nên giáp với cầu thang bộ để hỗ trợ nhau trong quá trình vận hành và thi công.

thang máy nhà phố
Với diện tích nhỏ bố trí thang máy phía sau nhà
Phương án bố trí thang máy giữa nhà

Lưu ý: sau khi chọn được kích thước thang máy, thiết kế và thi công hố thang phải rộng thêm khoảng 2cm mỗi chiều, để tránh phải đục tẩy do sai số trong thi công sau này.

Chọn thông số thang máy nhà phố:

Về tải trọng thang:

Nhà phố có nhu cầu đi lại, vận tải không cao. Do đó khi chọn hãy quan tâm đến vấn đề kích thước, tránh chiếm nhiều diện tích ngôi nhà. Về tải trọng, trung bình vận chuyển từ 3-4 người thì nên chọn thang có trọng tải từ 300 kg, kích thước cabin tham khảo: rộng 1050mm * sâu 850mm, cửa 650mm. Tiếp theo là 350kg và 450kg theo quy mô và số lượng người sử dụng.

Về tốc độ:

Phụ thuộc một phần vào độ sâu hố pit có thể xây dựng được, hố càng sâu thì tốc độ càng cao. Nếu hố pit không phải là vấn đề thì tốc độ sẽ phụ thuộc vào loại thang, trọng tải cũng như số tầng. Nếu số tầng càng lớn, tốc độ thang máy càng cao. Để tính tốc độ của thang máy, thông thường bạn có thể áp dụng mẹo sau đây: Lấy số tầng nhân với 10, số nhận được chính là tốc độ hoặc gần nhất với tốc độ phù hợp. Thông thường sử dụng loại 0,5m/s và 1m/s.

Tốc độ cũng có liên quan tỷ lệ với chiều sâu hố pít. Thông thường để đạt được tốc độ từ 1m/s, chiều sâu hố tối thiểu bạn nên để 1,2m.

Hình thức:

Thang máy công cộng luôn có người trợ giúp nên thường là vách inox kín. Tuy nhiên, thang máy nhà phố nên sử dụng loại vách kính, để khi người già, trẻ em ở nhà một mình sử dụng thang nếu gặp sự cố sẽ tương tác được với bên ngoài bớt lo lắng/ hoảng loạn.

Nguồn điện:

Có cả loại dùng điện 1 pha và 3 pha. Loại dùng điện 1 pha bản chất hoạt động dựa vào việc biến đổi dòng điện thành 3 pha. Tuy nhiên do sử dụng điện sinh hoạt nên dễ bị sụt áp chập chờn, kẹt hoặc dừng đột ngột- nhất là trong những giờ cao điểm (vì vậy phải xem xét lắp thêm biến áp riêng cho thang). Loại 3 pha hoạt động ổn định mượt mà hơn rất nhiều và đặc biệt phù hợp với nhưng thang tải trọng lớn di chuyển nhiều, đồng thời rẻ hơn loại 1 pha cùng phân khúc.

Công nghệ truyền động:

Hiện có 4 công nghệ truyền động

Ghi chú: Cáp kéo MR (Machine Room): thang máy cáp kéo có phòng máy. Cáp kéo MRL (Machine Room Less): thang máy cáp kéo không phòng máy.

Đối với các tòa nhà cao tầng thì công nghệ cáp kéo là lựa chọn duy nhất để thiết kế vì đáp ứng được các tiêu chí: chiều cao hành trình lớn, tốc độ cao, tần suất sử dụng lớn,… Tuy nhiên, đối với thang máy gia đình thì lại còn tùy theo nhu cầu, thực tế địa hình, kỹ thuật,… để có thể lựa chọn loại thang phù hợp.

thời gian tối đa giữa các lần bảo trì, bảo dưỡng là 3 tháng (theo QCVN 32:2018/BLĐTBXH), tuy nhiên để đảm bảo vận hành ổn định, an toàn thì thời gian được khuyến cáo là định kỳ mỗi tháng một lần.

Các loại thang máy căn cứ nguồn gốc xuất  xứ:

Gồm thang máy liên doanh (nhập khẩu thiết bị nước ngoài, đồng bộ tại Việt Nam) và thang ngoại nhập.

Thang máy nhập khẩu nguyên chiếc:

Đó là loại thang homelift của các thương hiệu như Mitsubishi, Hitachi, Otis, Toshiba... chất lượng rất cao. Nhược điểm đắt, kích thước tiêu chuẩn, thời gian cung cấp lâu và chi phí bảo trì cao. Đối tượng khách hàng là những nhà cao trên 12 tầng.

Thang máy sản xuất trong nước:

Ỏ cấp độ cao nhất, các nhà sản xuất trong nước nhập khẩu các thiết bị chính như: Máy kéo; tủ điều khiển tín hiệu (PLC hoặc bo mạch vi xử lý); điều khiển động lực (biến tần)... từ những hãng nổi tiếng như Mitsubishi, Fuji ( có sản xuất tại Japan/ Malaysia/  Korea/ Thailand), Montanari, ZIEHL- ABEGG; ray, cáp, tời. phanh... nhập từ China, Thailand... kết hợp với khung (bệ, khung cabin, khung đối trọng) vách cabin, cửa tầng, đối trọng, cáp điện, vỏ tủ điện, chiếu sáng... được gia công trong nước. Tất cả được tạo thành một thang hoàn chỉnh cung cấp cho các công ty thứ cấp theo đơn đặt hàng.

Về thiết bị NK, một số hàng từ châu Âu được dán tem chống hàng giả, tem truy xuất nguồn gốc/ mã vạch kiểm tra hàng chính hãng. Tuy nhiên một số loại xuất xứ từ châu Á chỉ có tem nhôm rất dễ dập và gắn lên sản phẩm giả.

Hàng sản xuất trong nước có giá thành hợp lý, kích thước linh hoạt, thời gian cung cấp nhanh chóng (chỉ khoảng 40 ngày nếu chấp nhận chi phí vận chuyển bằng đường bộ, hoặc 50 ngày vận chuyển bằng đường biển). Phí thay thế thiết bị và bảo trì cũng "dễ chịu".

Về các tính năng an toàn và tiện nghi cơ bản dù thang nào cũng có đầy đủ. Tuy nhiên do chất lượng thành phần/ phương pháp chế tạo... nên sẽ khác nhau ở độ tinh xảo, êm ái, bền bỉ...

Điển hình theo hình thức này là các nhà máy HISA tại TP HCM.Các nhà cung cấp thứ cấp/ đối tác đặt hàng và Nhà máy đóng kiện hàng ghi rõ tên khách hàng, địa chỉ và vận chuyển tới chân công trình. Các giấy tờ nhà máy đính kèm đều có ghi rõ đơn vị mua hàng và địa chỉ công trình:

  1. Phiếu xuất xưởng, trong đó đặc biệt ghi rõ xuất xứ, nhãn hiệu và các thông số của thiết bị chính là máy kéo và tủ điện. Chứng từ nhập khẩu kèm theo.
  2. Danh sách đóng gói vật tư cơ khí và vật tư điện.
  3. GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG (Certification of quality/ quantity) của nhà máy.
Thang máy nhà phố
Một Chứng nhận thang máy xuất xưởng của HISA

Với thang máy lồng kính (hiện đang được sử dụng nhiều cho nhà phố), thì phần khung bao nhà sản xuất chính thường không thực hiện, mà do các nhà cung cấp thứ cấp chế tạo tại địa phương. Tuy nhiên để phần khung thang chắc chắn, bền lâu thì phải lưu ý:

  1. Độ dày của thép dùng để chế tạo phải đủ theo cam kết (thường 4-5mm).
  2. Chất lượng sơn (bao gồm vệ sinh bề mặt và chất liệu sơn) phải là hàng chất lượng. Tốt nhất bạn nên yêu cầu cung cấp mẫu trước khi ký hợp đồng.
  3. Lưu ý việc cắt khung bằng tầng sẽ đẹp nhưng tốn kém hơn so với việc sử dụng các thanh tiêu chuẩn sản xuất sẵn nối tại chiều cao bất kỳ
  4. Chủng loại kính sử dụng: thường thì sẽ dùng kính an toàn/ cường lực dán an toàn để nếu không may bị vỡ sẽ không bị rơi xuống mắc kẹt tại các chi tiết thang.

Phần cabin kính vẫn được sản xuất tại nhà máy. Kính cabin thường là loại kính cường lực dán an toàn 11,52mm.

Vê nguyên tắc, dạng sản phẩm này bắt buộc phải tuân thủ các Quy chuẩn và Tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước trước khi được đưa vào phân phối và sử dụng. Tuy nhiên hiện có việc một số nhà cung cấp không tuân thủ, sử dụng các "tủ dựng" thay vì tủ chính hãng, thiết bị/ linh kiện dỏm, hàng nhái giá rẻ (chủ yếu từ TQ) khi lắp đặt và bảo trì thang máy. Hậu quả thang máy trục trặc, hỏng hóc liên tục và thậm chí gây tai nạn.

Thế nào là một thang máy tốt?

30% phụ thuộc xuất xứ; 30% phụ thuộc lắp đặt; 30% do bảo trì và 10% do ý thức và hiểu biết của người sử dụng.

Các quy chuẩn/ tiêu chuẩn an toàn áp dụng:

Thang máy thuộc hạng mục có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Theo đó, thang máy dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước cũng cần đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật cũng như các công tác kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định. Thể hiện bằng các văn bản chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn.

  • TCVN 6395:2008- Quy chuẩn thang máy gia đình.
  • TCVN 5744:1993- Tiêu chuẩn thang máy an toàn trong lắp đặt và sử dụng.
  • TCVN 5866:1995- Cơ cấu an toàn cơ khí.
  • TCVN 6904:2001- Phương pháp thử các yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt của thang máy điện.
  • TCVN 6396:2013- Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy.
  • TCVN 6905:2001- Phương pháp thử các yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt của thang máy thủy lực.
  • Tiêu chuẩn TCVN 5867:1995- Tiêu chuẩn về an toàn cabin, ray dẫn hướng, đối trọng
  • Tiêu chuẩn TCVN 6397:1998 và TCVN 6906: 2001: Tiêu chuẩn an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang cuốn và thang chở người.

Xem thêm tại đây.

Thông tin theo máy:

Nhãn gốc:

Là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.

Nhãn phụ:

Áp dụng cho thang nhập khẩu. Thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc phải đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam:  Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Khuyến cáo: nên có thêm các thông số kỹ thuật sư bản, năm sản xuất, thông tin cảnh báo an toàn.

Lý lịch thang:

Là một phần trong hồ sơ thang máy bắt buộc có trong quá trình thương mại và sau đó cũng cần được lưu giữ đầy đủ cho các công tác bảo trì, kiểm định định kỳ và kiểm tra của các cơ quan chức năng. Lý lịch thang máy phải do tổ chức chứng nhận được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ định hoặc thừa nhận thực hiện. Một bộ lý lịch thang máy phải bao gồm các thông tin sau:

  • Thông tin chung: Mã hiệu, số chế tạo, nhà chế tạo, năm sản xuất, nơi sản xuất; Đặc tính kỹ thuật kỹ thuật: Công dụng, tải trọng, vận tốc, số điểm dừng, loại dẫn động, hệ thống điều khiển thang máy, đặc tính của cáp, ray dẫn hướng, môi trường làm việc của thang máy…
  • Các bản vẽ kỹ thuật về: Sơ đồ nguyên lý hoạt động; Bản vẽ thể hiện việc bố trí các bộ phận/thiết bị an toàn, sơ đồ hệ thống điều khiển, sơ đồ mắc cáp và đối trọng của thang máy.
  • Phần nhật ký dùng cho việc ghi chú về những lần kiểm định, kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì. Người trực tiếp thực hiện kiểm định, kiểm tra, thử nghiệm, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì hoặc thay thế các bộ phận/thiết bị của thang máy phải có trách nhiệm ghi thông tin vào sổ tay. Các thông tin phải bao gồm các nội dung sau: Tên và chữ ký xác nhận của người thực hiện; Ngày thực hiện; Nội dung thực hiện (kiểm định, kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì, thay thế…); Những khuyến cáo cho người sử dụng trong quá trình vận hành thang máy.

Chứng nhận kiểm định thang máy:

Do các Trung tâm có chức năng kiểm định kỹ thuật an toàn cấp. Là yêu cầu bắt buộc trước khi thang máy đưa vào vận hành. Bao gồm:

  1. Giấy chứng nhận kết quả kiểm định.
  2. Biên bản kiểm định kỹ thuật an toàn.
  3. Tem kiểm định.

Thường giấy này do bên bán thang máy cung cấp. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể yêu cầu kiểm định tại nơi bạn muốn và bên bán sẽ chi trả cho nội dung này.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thang máy cũng cần được kiểm định định kỳ theo quy định. Với nhà phố là 03 năm một lần. Thang đã có thời hạn sử dụng trên 15 năm là một 01 năm một lần.

Các hỗ trợ cần có của thang máy nhà phố:

Thang máy công cộng luôn có người trợ giúp nên chỉ cần chuông cứu hộ và điện thoại nội bộ là đủ. Tuy nhiên, thang máy nhà phố phải dự trù khả năng tự giải quyết khi người già, trẻ em ở nhà một mình sử dụng thang.

Nội dung
1 Lớp 1- Bộ cứu hộ tự động ARD: sử dụng nguồn điện dự trữ đưa thang về tầng gần nhất để người dùng ra ngoài khi mất điện.
2 Lớp 2- Hệ thống tự cứu hộ SRS: khi mất điện và ARD hỏng, ấn vào nút màu đỏ trên màn hình, thang sẽ tự động di chuyển về tầng gần nhất.
3 Lớp 3- Emcall: ấn vào nút màu vàng trên bảng điều khiển, thang máy sẽ tự động kích hoạt gọi đến 5 số điện thoại được cài đặt từ trước (số của kỹ thuật viên và người thân trong gia đình) cho đến khi điện thoại được kết nối. Ngoài ra, hệ thống Emcall còn thực hiện báo lỗi về trung tâm điều khiển, giúp các kỹ thuật viên nắm được tình huống, phát hiện và xử lý lỗi kịp thời.
4 SWS: Hệ thống cảnh báo đột quỵ Tự kích hoạt gửi tin nhắn đến trung tâm dịch vụ khi có người bị kẹt trong cabin bị mất ý thức (đột quỵ, ngất,..).
5 FDS: Hệ thống cảnh báo ngập nước. Cảnh báo bằng tin nhắn điện thoại đến khách hàng khi có nước bị rò rỉ hoặc khách hàng quên không khóa van nước làm nước tràn vào thang. Đồng thời cabin từ tầng thấp sẽ tự động di chuyển lên tầng cao hơn để tránh ngập nước, gây ra chập điện, rò rỉ điện.
6 Hệ thống đèn/ quạt
7 Độ dày vách cabin

Với thang không có hệ thống an toàn đảm bảo phải mua thêm máy phát điện dự phòng.

Lựa chọn nhà cung cấp thang máy nhà phố:

Việc lựa chọn một cái thang gắn bó suốt tuổi thọ của ngôi nhà là hết sức quan trọng. Để tránh phải sai lầm, ngoài các thông số kỹ thuật, bạn hãy lưu ý chọn lựa nhà cung cấp theo các tiêu chí sau:

Tiêu chí quan tâm
1 Năng lực thâm niên (liên quan đến uy tín và cam kết dài lâu). Hiện có rất nhiều đơn vị thuần là thương mại, thuê đơn vị khác lắp đặt, sửa chữa, bảo trì. Gần như sau khi bàn giao không còn nghĩa vụ gì với bên mua.
2 Năng lực dịch vụ/ hiện trường (khả năng rút ngắn thời gian tiếp cận hiện trường thông qua mạng lưới bảo hành/ văn phòng. Vi dụ một số đơn vị quảng cáo có dịch vụ 24/7, chỉ sau 1h đội bảo dưỡng đã có mặt.
3 Năng lực nhân sự: số lượng; trình độ; chứng chỉ hành nghề; đào tạo nâng cao
4 Năng lực tài chính
5 Quy mô nhà xưởng
6 Năng lực đối tác/NSX (nếu không muốn đang sử dụng mà NSX thiết bị gốc bị giải thể)
7 Uy tín người bán
8 Chế độ bảo hành
9 Chế độ bảo trì
10 Giá dịch vụ (phù hợp)

Hệ thống tiếp địa thang máy:

Khác với tiếp địa hệ thống điện, tiếp địa thang máy ngoài chức năng tiếp mát cho cabin thì còn có các chức năng đặc thù khác:

  • Khử nhiễu tín hiệu, hỗ trợ dây truyền thông tin các bo mạch tầng lên tủ điện. Chống các lỗi vặt.
  • Xả điện trở thừa khi sau này thử hoặc bộ cứu hộ hoạt động. Tăng tuổi thọ của Tủ điện.

Thông thường hệ thống sẽ được thực hiện vơi 3 thanh đồng d16 dài 1,5m.

Lắp đặt thang máy
Tiếp địa cho thang máy nhà phố

Nếu làm dưới đáy pít thì đóng tam giác cạnh 350mm như hình và nối dây bằng kẹp đai ốc là ok vì nó sẽ nằm trong khối bê tông đáy pít. Điện trở khi đo phải đảm bảo dưới 4 Ôm.

Nếu đã làm xong pít thì phải lắp ngoài. Khi đó đóng theo đường thẳng và hàn hóa nhiệt mới đảm bảo.

Phòng máy:

Có thang có phòng máy và thang không có phòng máy.

Thang có phòng máy Thang không phòng máy
Mô tả Xây hẳn 1 phòng để đặt máy, tủ điện, tủ điều khiển... trên nóc giếng thang (OH= 3400+1400mm). Công nghệ truyền thống. Máy kéo đặt trên nóc giếng thang. Tủ điện được bố trí phía ngoài. Công nghệ tương đối mới, vài năm trở lại đây.
Ưu điểm Bảo trì bảo dưỡng đơn giản; Cứu hộ dễ dàng; giá thành rẻ; Tiết kiệm được chiều cao xây dựng (OH~3600mm, trong đó chiều cao dành cho đặt động cơ~1000mm)
Nhược điểm Nhà phải không bị khống chế chiều cao.

Động cơ loại máy kéo thông thường, có hộp số, phải tra nhớt, tốn điện. Hiện nay có thể khắc phục và tận dụng ưu điểm là sử dụng thang máy có phòng máy mà dùng máy kéo không hộp số.

Loại động cơ khác với loại có phòng máy: không hộp số; Không phải tra nhớt và tiết kiệm đến 40% điện năng; cứu hộ khó khăn, thậm chí nguy hiểm; giá thành cao hơn khoảng 20-40%; thông thường chỉ sử dụng khi chiều cao nhà bị khống chế
Các nội dung tương đương Như nhau về: chạy êm, tiếng ồn nhỏ và bền bỉ. Như nhau về: chạy êm, tiếng ồn nhỏ và bền bỉ.

Đối với thang có phòng máy:

Phòng máy nằm trên cùng có các móc treo, các lỗ trên sàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tại cao độ 1500mm có tủ điện bao gồm 1 CB 3 pha- 50A và 1 CB 1 pha- 5A. 1 dây tiếp địa có điện trở tiếp đất < 4 Ohm.

Phòng máy phải được lắp cửa có khóa, đèn chiếu sáng và có lối đi hoặc thang bộ để có thể tiếp cận dễ dàng.

Ngoài ra điểm chung là phòng máy phải thoáng, sao cho nhiệt độ luôn thấp hơn 35 độ. Các giải pháp có thể là chống nóng/ mở cửa thoáng/ lắp quạt hút/ lắp máy lạnh.

Trình tự lựa chọn thang máy:

Làm thư mời các nhà cung cấp quan tâm chào giá thang máy. Trong thư bao gồm nhưng không hạn chế các nội dung:

  1. Địa điểm lắp đặt.
  2. Quy mô kèm bản vẽ kiến trúc.
  3. Số điểm dừng, tải trọng thang và tốc độ thang.
  4. Các nội dung quan tâm trong hồ sơ chào giá: giầy phép ĐKKD; năng lực nhân sự; người đứng đầu; hệ thống dịch vụ; chế độ bảo hành bảo trì; điều kiện tạm ứng thanh toán...

Sau khi có tệp chào giá, bạn hãy lựa chọn hai hoặc ba nhà cung cấp để tiến hành làm rõ và thương thảo giá cũng như các điều khoản của hợp đồng.

Nhata.net hy vọng các thông tin trong bài viết Hướng dẫn lựa chọn thang máy nhà phố có ích cho bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *