Giấy phép xây dựng nhà phố

Trừ các trường hợp không phải xin phép xây dựng thống kê trong bài viết, còn lại bạn phải xin Giấy phép xây dựng trước khi khởi công xây dựng công trình, nếu không sẽ chịu mức phạt ban đầu từ 10tr đồng trở lên...

Giấy phép xây dựng bao gồm những loại nào? Trường hợp nào phải xin giấy phép xây dựng? Sửa chữa nhà ở có cần xin giấy phép xây dựng không?

Khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 quy định, giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Giấy phép xây dựng gồm những loại giấy phép quy định tại Khoản 3 Điều 89 Luật Xây dựng 2014, cụ thể như sau:

  • Giấy phép xây dựng mới;
  • Giấy phép sửa chữa, cải tạo;
  • Giấy phép di dời công trình.

thành phần bộ hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng:

Đối với nhà phố quy mô nhỏ dưới 6 tầng, thành phần bao gồm:

  1. Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng: theo mẫu xin tại UBND Quận/Huyện.
  2. Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất;
  3. Bản vẽ thiết kế xây dựng thể hiện được: số tầng; chiều cao các tầng; khoảng lùi và các phần nhô ra so với chỉ giới đất ở các tầng; hình thức ban công... bản vẽ dạng kết cấu móng; kết cấu khung thân; hướng thoát nước
  4. Bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề (*).

Cơ quan cấp phép không quan tâm tới bố trí công năng và giao thông trong nhà. Nhưng những phần đã đề cập thì phải hết sức chính xác, không thể vẽ một đằng làm một nẻo được. Trật tự xây dựng Phường sở tại sẽ kiểm tra đo đạc thường xuyên trong suốt quá trình thi công

Một số trường hợp không cần Giấy phép:

Căn cứ Điều 89 Luật xây dựng 2014, sửa đổi bổ xung 2020, từ năm 2021 các trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ không cần giấy phép gồm có:

  1. Nhà dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt. Tuy nhiên vẫn có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý NN về xây dựng tại địa phương để quản lý.
  2. Nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng tại nông thôn và thuộc khu vực không có quy hoạch (đô thị/ khu chức năng/ chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn) đã được CQNN có thẩm quyền phê duyệt. Trừ nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử- văn hóa.
  3. Nhà ở miền núi, hải đảo với các điều kiện như trên.

(*) Lưu ý về quyền lợi của các nhà liền kề:

1- Được quyền yêu cầu hàng xóm che chắn công trình đang thi công:

Theo Luật xây dựng 2014, trong quá trình thi công, Nhà thầu xây dựng phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường. Tại Nghị định Số 16/2022/NĐ-CP QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ XÂY DỰNG có quy định mức xử phạt trường hợp này.

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi xây dựng sai giấy phép

2-  Quyền đề nghị dừng thi công nếu ảnh hưởng tới công trình lân cận:

Căn cứ Điều 9 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng quy định: Việc quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho con người, tài sản, thiết bị, công trình, các công trình lân cận và môi trường xung quanh.

Theo NĐ 139/2017- Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng... các hành vi gây mất an toàn cho công trình lân cận có thể kể tới như: Gây nứt, lún hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận... có thể bị phạt rất nặng:

3- Yêu cầu bồi thường nếu hàng xóm gây thiệt hại đến ngôi nhà của bạn:

Căn cứ điều 174 bộ luật dân sự, tại điều 174 và điều 605, người gây thiệt hại phải tiến hành bồi thường cho bạn.

Tuy nhiên, về nguyên tắc bồi thường, theo điều 585 Bộ luật dân sự, quy định thiệt hại phải là thiệt hại thực tế, không phải thiệt hại ước tính hay thiệt hại trong tương lai.

Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức và phương thức bồi thường (1 lần hoặc nhiều lần) trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người phải bồi thường có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Nếu hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường bạn có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường. Lưu ý nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thuộc về bên yêu cầu bồi thường, bạn phải có tài liệu chứng cứ để chứng minh cho thiệt hại của mình.

Nếu nhà không có GPXD, đất chưa có sổ... thì sẽ không được bồi thường.

Nhata.net hy vọng các thông tin trong bài viết Giấy phép xây dựng nhà phố có ích cho bạn!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *