Đại cương về chiếu sáng

Đại cương về chiếu sáng giúp bạn nắm được các thuật ngữ/ các nguyên tắc chính trước khi bắt đầu làm việc với bộ môn Ánh sáng kỳ diệu.

Tầm quan trọng của thiết kế chiếu sáng

Ánh sáng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự sống, sức khỏe và cảm xúc của con người. Ánh sáng còn là yếu tố quan trọng trong thiết kế kiến trúc và nội thất, tạo ra không gian đẹp và ấm cúng.

Thiết kế một hệ thống chiếu sáng có nghĩa là phân bổ, sắp xếp các loại đèn trong không gian kiến trúc - nội thất để tạo nên hiệu quả sử dụng và thẩm mỹ phù hợp.

Gần đây, việc thiết kế chiếu sáng phần nào được chú ý đúng mức. Khác với trước kia, phần chiếu sáng thường ở nội dung thiết kế điện, thậm chí nằm chung bản vẽ mặt bằng bố trí với các thiết bị điện khác, do kỹ sư điện đảm nhiệm. Khi chưa có một chuyên ngành chiếu sáng riêng, với những chuyên gia am hiểu về thẩm mỹ kiến trúc, vật lý kiến trúc và kỹ thuật điện, thì việc phối hợp giữa kiến trúc sư và kỹ sư điện là cần thiết để đưa ra giải pháp hệ thống chiếu sáng phù hợp trên nhiều phương diện.

Phạm trù "Chơi sáng"

Khái niệm "Chơi sáng": được hiểu ở cả hai góc độ: thiết kế - lắp đặt và sử dụng hệ thống chiếu sáng. Và điều mấu chốt là ánh sáng đẹp chứ không phải đèn đẹp!

"Chơi sáng" đúng cách nghĩa là có một hệ thống chiếu sáng hợp lý, thẩm mỹ, kinh tế. Nếu quá tiết kiệm thì có thể sẽ thiếu sáng. Giải pháp thông thường là tăng công suất bóng song không hữu hiệu vì nguồn sáng sẽ phân bố không đều. Ngược lại, nếu quá nhiều đèn sẽ gây tốn kém không cần thiết và thậm chí quá sáng, loạn sáng gây khó chịu. Đây được gọi là tình trạng "ô nhiễm ánh sáng".

Trong thực tế, có những thiết kế thiếu và thừa như vậy. Việc phối hợp các nguồn sáng với nhau để tạo ra các dạng chiếu sáng đan xen trong mỗi tình huống, trong từng trường hợp sinh hoạt cụ thể là một cách "chơi" đầy khoa học. Nói cách khác là phải tạo ra được nhiều kịch bản ánh sáng.

Không gian sinh hoạt chung khi bật tất cả các đèn

"Chơi sáng" ở phía người sử dụng là biết vận dụng hệ thống chiếu sáng trong những tình huống sinh hoạt, làm việc cụ thể để đạt được hiệu quả công năng và thẩm mỹ, đồng thời tiết kiệm điện và giữ cho các bóng đèn bền lâu. Nhiều người vì tiết kiệm điện nên hay bật đèn neon thay vì bật đèn sợi đốt. Nhưng nếu chỉ bật trong một thời gian ngắn rồi tắt thì sẽ làm giảm tuổi thọ đèn. Có người luôn bật quá nhiều đèn để làm sang nhưng dễ gây tình trạng "ô nhiễm ánh sáng" như đã nói ở trên. Có trường hợp có hệ thống chiếu sáng rất tốt, rất thẩm mỹ nhưng lại "lười" không "chơi", chỉ bật những đèn sáng tối thiểu. Đó là sự lãng phí ở góc độ đầu tư.

Sau khi ăn tối tắt bớt đèn bàn ăn

Người biết "chơi sáng" là biết bật đèn gì vào lúc nào. Ví dụ như tiếp khách xã giao nên bật đèn chiếu sáng chung để nhìn rõ mặt, sáng đều hai phía; nhưng nếu khách thân mật, nói chuyện tâm tình có thể chỉ sử dụng chiếu sáng trang trí. Khi nghe nhạc không nên bật quá nhiều đèn vì sẽ bị phân tâm với cảm nhận thị giác hơn là thính giác; khi ăn nhất thiết phải bật đèn bàn ăn (đèn thả) để nhìn rõ và tăng sự hấp dẫn của món ăn; khi soi gương, trang điểm phải bật đèn gương để nhìn màu cho chuẩn...

Vào giờ nghỉ ngơi giải trí trước khi đi ngủ

Bí mật về thiết kế chiếu sáng mà bạn cần phải biết, đó là để tạo được sự thoải mái khi về nhà, thì vào buổi tối bạn nên tránh làm nhà sáng quá cũng như dùng ánh sáng trắng, vốn chỉ dành cho công trình công cộng, bệnh viện.

Nó phải phù hợp với nhịp sinh học, giống như ánh sáng mặt trời ban ngày thì sáng rỡ mà chiều tối thì dịu nhẹ.

Chiếu sáng nên được chia thành các kịch bản khác nhau: Khi tiếp khách, lúc ngồi Chill, lúc ăn tiệc, lúc ngồi uống rượu một mình...

Một vấn đề khác liên quan đến việc "chơi sáng" là bố trí hệ thống công tắc phải hợp lý, dễ tìm, dễ nhận biết và dễ nhớ. Các công tắc nên phân tán theo đúng các khu vực và theo tuyến giao thông để tránh nhầm lẫn. Việc bật nhầm đèn thường xuyên sẽ gây tâm lý rất khó chịu và làm giảm tuổi thọ bóng đèn. Đã có rất nhiều các trường hợp mật độ bố trí công tắc quá dày trên một vị trí.

Một số đại lượng ánh sáng

Quang thông:

Là tổng lượng ánh sáng do nguồn sáng phát ra trong 1s. Đơn vị Lumen (Lm).

Cường độ sáng:

Biểu thị mật độ phân bổ quang thông về một hướng nhất định. Đơn vị Candela (Cd).

Độ rọi:

Lượng quang thông chiếu tới một đơn vị diện tích bề mặt. Đơn vị Lm/m2 (Lux).

Góc chiếu sáng:

Sử dụng các loại góc chiếu sáng phù hợp với các đối tượng khác nhau.

Chiếu sáng
Góc chiếu sáng của một số loại đèn

Góc chiếu đến 120 độ được gọi là đèn tán quang, ánh sáng trải đều khắp không gian xung quanh. Được ứng dụng phổ biến với không gian chiếu sáng dân dụng từ nhà ở, trường học, văn phòng, khách sạn cho đến cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, …

Các hình thức chiếu sáng

Chiếu sáng trực tiếp:

Là kiểu chiếu sáng thường được tạo ra/ xuất phát từ các loại đèn trần, đèn tường chiếu thẳng xuống dưới. Kiểu chiếu sáng này phổ biến và hiệu quả về công năng do ít bị tường trần hấp thụ. Nhược điểm là gây chói, đều, gây nhàm chán, thiếu cảm xúc, tạo nên các bóng râm- sấp bóng. Thích hợp với chiếu sáng bên ngoài, cho các phân xưởng và cho các văn phòng có diện tích lớn.

Chiếu sáng gián tiếp:

Là kiểu chiếu sáng được tạo ra từ các loại đèn được che nguồn phát sáng trực tiếp (được giấu đi), hắt ra và phản xạ. Đặc điểm dịu nhẹ dễ chịu, mảng ánh sáng đẹp tạo được hiệu quả thẩm mỹ. Nhược điểm hiệu quả thấp. Thường được kết hợp để bổ sung cho chiếu sáng trực tiếp, làm ánh sáng trong không gian sinh động hơn.

Chiếu sáng chung:

Là cấp độ ánh sáng đầu tiên mà người ta nghĩ tới. Nó là nguồn sáng chính/ căn bản cho một không gian, trải đều đảm bảo cho các sinh hoạt và giao thông.

Chiếu sáng chung có thể sử dụng ánh sáng trực tiếp hay gián tiếp song cần bố trí đủ, đều, không quá chói. Sử dụng các loại bóng đèn khác nhau sẽ thay đổi sự ấm áp của căn phòng.

Điểm yếu của ánh sáng chung là không làm nổi bật được những điểm cụ thể trong thiết kế nội thất.

Chiếu sáng chức năng:

Đáp ứng nhu cầu cho riêng cho một không gian làm việc.

Chiếu sáng tập trung rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc và sức khoẻ, tâm lý người sử dụng. Ví dụ: chiếu sáng cho khu vực nấu bếp, chiếu sáng bàn ăn, bàn làm việc... Cần tính toán kỹ về cường độ sáng, màu sắc và đặc thù ánh sáng để chọn đèn cho phù hợp.

Chiếu sáng khu vực nhất thiết sử dụng nguồn sáng trực tiếp

Chiếu điểm:

Để thu hút sự chú ý vào một đối tượng trong không gian nội thất như: Các tác phẩm nghệ thuật, mặt bàn, vật dụng trang trí hoặc các thiết kế kiến trúc độc đáo.

Sử dụng đèn có cường độ sáng sáng mạnh, thường gấp 2-3 lần so với chiếu sáng chung.

Nhiệt độ màu

Màu sắc của một vật bạn nhìn thầy bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ màu chiếu vào nó. Đơn vị nhiệt độ màu là Kenvin (K). Bạn có thể tìm hiểu thêm về nó trên Internet.

Chỉ số hoàn màu

Chỉ số hoàn màu của một nguồn sáng được viết tắt là CRI (Color Rendering Index) dùng để phản ánh mức độ trung thực về màu sắc của vật thể khi được nguồn sáng chiếu tới.

Một số thông số tham khảo: Ánh sáng mặt trời vào ban ngày có chỉ số hoàn màu cao nhất với Ra = 100; Ánh sáng đèn huỳnh quang Ra=50-70, màu sắc hơi bị biến đổi; Ánh sáng đèn đường cao áp Ra=26, màu sắc nhợt nhạt không đúng thực tế.

 

Nhata.net hy vọng các thông tin trong bài viết Đại cương về chiếu sáng có ích cho bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *