Các loại máy bơm nước dùng trong gia đình

Lựa chọn các loại máy bơm nước gia đình phù hợp giúp bạn tiết kiệm chi phí, thiết bị an toàn và tin cậy hơn.

Thông số kỹ thuật của máy bơm nước gia đình

Trên thân máy sẽ có dán 1 tem thống kê một số thông số cơ bản của máy.

Máy bơm nước gia đình
Một tem máy bơm nước gia đình

Trong đó:

  • Nguồn điện ở đây sử dụng 1 pha 220V; công suất máy (P) ứng với mức độ tiêu thụ điện (không tải) là 200W; tổng cột áp H= chiều sâu hút + chiều cao đẩy;
  • Với đường kính ống hút xả: Theo đúng quy chuẩn thì phải chọn máy bơm trước rồi thiết kế đường ống. Tuy nhiên thường thì các gia đình đều làm ngược lại. Tức là xây nhà lắp chờ ống xong rồi mới chọn mua máy bơm. Khi đó phải tính đến việc sử dụng cút nối chuyển đổi. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của máy bơm.
  • Lưu lượng Q là lượng nước được máy bơm đưa lên bể trong một khoảng thời gian.

Trong gia đình thông thường chỉ nên lựa chọn loại bơm có cột áp 15 – 30m. Lưu lượng nước căn cứ vào số đầu vòi sử dụng cùng 1 lúc. Ví dụ nếu cần tăng áp cho 3 vòi rửa tay cùng lúc với áp lực vừa phải thì chọn máy bơm có cột áp 15-20m và lưu lượng nước khoảng 2000 lít/h.

Sau đây nhata.net cùng bạn tìm hiểu và lựa chọn các loại máy bơm nước dùng trong gia đình.

Lựa chọn

Loại máy bơm hút nước đẩy lên cao

Nguồn nước lấy từ bể ngầm, giếng khoan hoặc đường ống nước nhà máy. Có 3 loại bơm đẩy cao thông dụng là bơm ly tâm, bơm bán chân không và bơm chân không.

Bơm ly tâm:

Ưu điểm: Bơm ly tâm rất khỏe, lượng nước lớn và chạy rất êm.

Các loại máy bơm
Máy bơm ly tâm

Nhược điểm: Bơm ly tâm có hạn chế là không sử dụng được đối với các nguồn nước có lẫn khí. Do đó không nên sử dụng loại bơm này để hút nước trực tiếp từ đường ống.

Bơm bán chân không:

Bơm bán chân không là là bơm ly tâm có kết cấu buồng bơm có thể hút chân không. Bơm có thể hút nước có lẫn khí.

Các loại máy bơm
Bơm bán chân không

Ưu điểm: bơm đẩy khỏe và hút được nước ở mọi nguồn khác nhau.

Nhược điểm: bơm bán chân không khi hoạt động thường có tiếng lạo xạo của dòng nước chảy trong máy bơm. Và khả năng hút chân không sẽ kém hơn bơm chân không.

Thị phạm thực tế: tại BT7 Việt Hưng, hút giếng độ sâu giếng 25m đã chọn mua máy con lợn công suất 750w.

Bơm chân không:

Ưu điểm: Bơm chân không tạo ra lực hút chân không rất mạnh nên hút được nước ở cả bể ngầm hoặc đường ống.

Các loại máy bơm
Bơm chân không

Nhược điểm: Bơm chân không có cánh quạt nước nhỏ nên lưu lượng nước thấp hơn so với 2 loại trên. Ngoài ra cánh quạt nước của bơm chân không rất khít với buồng bơm nên khi đẩy nước lên cao máy thường phát ra tiếng kêu i.i.. i.... nếu lắp bơm trong nhà và không có cách âm thì tiếng ồn này tương đối khó chịu.

Chọn máy bơm nước gia đình loại hút nước đẩy lên cao:

Căn cứ chiều cao nhà: Đối với nhà 2 – 3 tầng, điều kiện nước hút dễ dàng từ bể ngầm hoặc đường ống nước mạnh, chỉ cần mua máy 125W/ 150W/ 200W (nếu là bơm chân không), máy 370W (nếu là bơm ly tâm hoặc bơm bán chân không). Còn nếu nhà có đường nước yếu hay 5 tầng trở lên cần chọn máy bơm chân không có công suất 250W trở lên.

Nên chọn máy có các thông số cao hơn nhu cầu sử dụng khoảng 1,5 lần để bù hao phí áp lực từ ma sát đường ống, hạn chế do đầu vòi, cút nối, gấp khúc, đường ống chạy ngang… Ví dụ: nếu cần đẩy nước lên độ cao khoảng 10 mét thì chọn máy có thể đẩy khoảng 15 mét. Ngoài ra nếu đường ống đi dài, gấp khúc hoặc nhiều chỗ nối thì phải tính thêm.

Chọn mua máy bơm nước phù hợp với nguồn nước tại gia đình : Nếu cần hút nước từ đường ống, hoặc từ giếng thì nên chọn máy bơm chân không hoặc bán chân không. Còn nếu bơm từ bể nước ngầm lên cao thì có thể chọn 1 trong 3 loại trên đều được.

Cách bảo vệ máy bơm nước gia đình loại hút nước đẩy lên cao:

Hầu hết các gia đình đều lắp phao tự động ở bể mái. Phao sẽ tự động đóng điện để bật / tắt máy bơm khi bể mái hết/ đầy nước.

Tuy nhiên thường nguồn nước cấp của thành phố không ổn định, lâu lại mất nước. Khi máy bơm chạy trở lại do bể mái hết nước, nếu bể ngầm cạn sẽ không hút được và chạy khô. Nếu không kịp thời phát hiện và rút điện ra máy bơm sẽ bị hỏng. Có tới trên 50% máy bơm bị hỏng do hiện tượng này.

Các loại máy bơm

Để bảo vệ máy bơm của bạn không bị cháy do chạy khô, bạn nên mua thêm RƠ LE CHỐNG CẠN lắp cùng máy bơm. Với nguyên lý hoạt động hết sức đơn giản là: nếu máy bơm chạy mà không có dòng nước chảy ra thì rơ le sẽ cắt điện cấp vào máy bơm để bảo vệ.

Máy bơm tăng áp:

Máy giúp duy trì nguồn nước ổn định đáp ứng nhu cầu sử dụng. Khi áp suất đường ống giảm đi thì bơm tăng áp sẽ tự động bật lên và sẽ tự động ngắt khi áp suất tăng quá cao/ khi đóng vòi.

Lựa chọn sai loại bơm tăng áp dẫn đến sử dụng phức tạp, các thiết bị hay đường ống không chịu nổi áp lực quá lớn của máy bơm nên dẫn tới bục đường ống, hỏng thiết bị. Rồi tiếng ồn của động cơ, tiếng tạch tạch của rơ le...  khiến NGƯỜI DÙNG MỆT MỎI.

Các loại máy bơm tăng áp:

Máy bơm nước gia đình loại tăng áp phổ biến có 4 loại:

Máy bơm tăng áp cơ:

Bơm tăng áp cơ là máy bơm tăng áp nhà sản xuất đã tích hợp sẵn rơ le và bình áp. Nhờ tính tiện dụng và khả năng làm việc tốt trong mọi điều kiện gia đình, loại này phổ biến nhất và được dùng nhiều nhất.

Nhược điểm: khi bật/tắt tiếng đóng mở của rơ le (loại má vít) tạch tạch khá lớn và liên tục, gây khó chịu.

Các loại máy bơm
Máy bơm tăng áp cơ

Hiện nay bơm tăng áp cơ có một số loại được cải tiến lắp thêm rơ le cảm biến dòng chảy và công tắc áp lực điện tử. Máy có thể tự ngắt khi không có nước nguồn, khi bật tắt thì không phát ra tiếng kêu tạch tạch nữa.

Với gia đình quy mô trung bình dễ dàng chọn một máy bơm tăng áp cơ với công suất 125W đến 150W.

Máy bơm tăng áp điện tử:

Máy bơm tăng áp điện tử là loại bơm sử dụng công nghệ điện tử. Máy áp dụng công nghệ hiện đại, rất êm, lượng nước nhiều, phù hợp với điều kiện sống tiện nghi. Đồng thời, bơm tăng áp điện tử bền hơn nhiều so với bơm tăng áp cơ. Là lựa chọn phù hợp nhất.

Khi hoạt động, bơm tăng áp điện tử tạo ra áp lực vừa phải. Khi tắt thì không duy trì áp lực trên đường ống nên không làm hỏng đường ống. Ngoài ra với kích thước nhỏ gọn, dễ dàng lắp đặt và sử dụng nên loại này hiện rất được ưa chuộng.

Nhược điểm: bơm tăng áp điện tử chỉ hoạt động khi có lực đẩy của dòng nước ban đầu chảy qua máy. Nếu không có dòng chảy ban đầu hoặc có nhưng quá yếu thì máy bơm sẽ không tự bật được khi mở vòi sử dụng.

Các loại máy bơm
Máy bơm tăng áp điện tử

Để giải bài toán dòng chảy ban đầu qua máy, hãy để bồn cấp nước nhà bạn cao hơn so với vị trí lấy nước từ 1,5m trở lên là được. Nếu không đủ 1,5m thì nên chọn loại khác.

Ngoài ra, các loại bơm tăng áp điện tử khác nhau thì độ nhạy của rơ le cảm ứng dòng chảy cũng khác nhau. Vì thế cũng cần xem xét kỹ nên mua bơm loại nào/ hãng nào.

Về lắp đặt bơm tăng áp điện tử:

  • Không khó nhưng cần lắp đúng chiều. Loại chỉ được lắp theo hướng lên (tức là đẩy nước lên). Hay chỉ lắp theo hướng xuống (đẩy nước xuống). Hay lắp theo hướng ngang. Hãy xem xét kỹ hướng dẫn lắp đặt máy ở trong hướng dẫn sử dụng đi kèm. Thực tế có rất nhiều thợ lắp chủ quan không xem xét kỹ nên đã lắp sai, gây ra hiện tượng máy bơm hoạt động không ổn định, lâu ngày dẫn đến hỏng máy.
  • Máy bơm tăng áp loại điện tử chỉ sử dụng được khi bể nước đặt cao hơn thiết bị sử dụng từ 1,5m trở lên để có dòng chảy. Nếu thấp hơn thì máy bơm sẽ không tự động bật khi mở van nước

Công suất lựa chọn:

  • Cho 1 ngôi nhà 3 tầng thường dùng100- 250W, nhà cấp 4 loại~ 100W... giá dưới 2tr/máy.
  • Một số loại bơm tăng áp điện tử chất lượng tốt được nhiều người lựa chọn: Bơm Hanil công suất 110W ( phù hợp dùng cho 1 đến 2 vòi dùng cùng lúc); Bơm Hanil công suất 300W ( phù hợp dùng cho 1 đến 4 vòi dùng cùng lúc); Bơm Wilo công suất 200W ( phù hợp dùng cho 1 đến 4 vòi dùng cùng lúc); Bơm tăng áp điện tử Wilo công suất 400W ( phù hợp dùng cho 1 đến 6 vòi dùng cùng lúc).

Máy bơm tăng áp có hệ thống biến tần:

Sử dụng biến tần (thiết bị biến đổi tần số dòng điện vào máy bơm) trong bơm tăng áp là phương án tốt nhất hiện nay để điều chỉnh lưu lượng cũng như áp lực nước theo ý muốn. Máy bơm sẽ hoạt động tương ứng với số đầu vòi được sử dụng. Ví dụ: nếu bạn mở 1 vòi thì bơm sẽ chạy chậm để đáp ứng dòng nước cho 1 vòi, nếu mở 3 vòi thì bơm chạy với tốc độ đáp ứng lượng nước cho 3 vòi.

Các loại máy bơm
Bơm tăng áp có biến tần

Tuy nhiên với giá thành khá cao nên chỉ được dùng chủ yếu trong các căn hộ cao cấp hoặc trong các hệ thống bơm nước lớn cần sự ổn định cao.

Hệ thống biến tần có thể lắp tích hợp vào bơm tăng áp điện tử hay bơm tăng áp cơ.

Trong các loại bơm biến tần cho gia đình hiện nay có dòng bơm Wilo với sản phẩm rất phù hợp, chất lượng rất tốt và giá cả cũng phải chăng. Tham khảo:

  • Bơm wilo PE 301EA, sử dụng phù hợp cho nhà có 1 đến 4 phòng vệ sinh.
  • Bơm tăng áp biến tần Wilo PE 350EA, máy chạy siêu êm ( phù hợp dùng đến 4 vòi dùng cùng lúc).
  • Bơm tăng áp biến tần Hitachi công suất 750W ( phù hợp dùng đến 6 vòi dùng cùng lúc).

Máy bơm tăng áp tự lắp ghép:

Là chiếc bơm tăng áp thông thường (đáp ứng được các yêu cầu như cột áp, lưu lượng nước), lắp ráp vào hệ thống bình áp và rơ le áp lực mua rời. Loại này thường được dùng để bơm cho hệ thống lớn nhiều đầu ra, hoặc dùng làm bơm tăng áp tổng toàn bộ tòa nhà. Loại đơn giản hơn chỉ gồm 1 chiếc bơm thường đáp ứng được các yêu cầu như cột áp, lưu lượng nước lắp với 1 bộ rơ le chống cạn (hay còn gọi là rơ le điện tử).

Cần lưu ý là với phương án sử dụng bơm tăng áp tự lắp ghép này, áp lực do máy bơm tạo ra trên đường ống luôn luôn là tối đa nên phải cân nhắc lựa chọn máy bơm phù hợp khi hệ thống đường ống yếu dễ bị rò rỉ.

Sử dụng bơm tăng áp lắp ghép là phương pháp rất hay và hiệu quả. Nhất là trong các trường hợp nhà có nhiều phòng vệ sinh, sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc.Tuy nhiên vì đây là lựa chọn nhiều bộ phận để lắp vào thành bộ máy bơm có chức năng tăng áp tự động nên ngoài việc chọn máy bơm và phụ kiện chất lượng tốt thì cũng cần thợ lắp có tay nghề và hiểu biết nguyên lý hoạt động của máy.

Trong một số trường hợp như nhà có nhiều phòng vệ sinh, sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc thì việc lựa chọn một chiếc máy bơm tăng áp lắp ghép sẽ mang lại hiệu quả rất cao.

Phạm vi ứng dụng bơm tăng áp:

Bơm tăng áp tổng cho cả nhà: Lắp khi nước yếu tổng thể, nhà có chiều cao dưới 3 tầng... hoặc tới 5 tầng nếu bạn đam mê áp suất nước thật uy lực. Loại này được lắp ở đầu ra của bể chứa, tuy nhiên nên tránh lắp quá gần để hạn chế áp lực từ máy bơm dội vào bể tạo ra tiếng ồn.

Bơm tăng áp cho bình nước nóng năng lượng mặt trời: Hệ thống nước nóng thường đặt thấp dẫn tới tầng dưới pha nước nóng bị yếu. Lúc này bạn cần lắp thêm bơm.

Bơm tăng áp  mini cho máy giặt, bình nóng lạnh: Công suất 100- 200W; Giải quyết việc nước cấp yếu cục bộ cho các thiết bị này. Tuy nhiên lựa chọn loại phù hợp để lực nước vừa phải không gây hỏng máy

Bơm tăng áp dùng trực tiếp từ bể ngầm: Phải chọn bơm loại bơm tăng áp loại cơ. Nếu sử dụng cho nhà từ 2 tầng trở lên cần chọn máy bơm áp cơ có rơ le phù hợp, nên tham khảo ý kiến kỹ sư

Bơm tăng áp dùng trực tiếp nước đường ống: Phải chọn bơm loại bơm tăng áp loại cơ. chân không (khi chạy hút cả khí lẫn nước), công suất máy bơm từ 150W đến 400W hoặc lớn hơn, tùy thuộc vào áp lực nước trong đường ống có mạnh yếu. Ngoài ra, nếu nước trong đường ống không ổn định lúc có lúc không hãy chọn máy có chức năng thông minh tự ngắt khi không có nước, đảm bảo cho máy khỏi bị cháy khi mất nước nguồn

Nguyên lý hoạt động của bơm chân không xem tại đây

Lưu ý chung khi lắp đặt sử dụng bơm tăng áp:

Xem xét loại dùng bình tích áp:  Không dùng thì sẽ có độ trễ khi mở vòi nước, còn loại dùng bình tích áp sẽ có ngay.

Trên thị trường có một số loại bơm tăng áp mini có rơ le rời lắp vào đường nước trong quá trình lắp đặt. Thực tế cho thấy đa số các loại bơm này độ bền kém.

Một số loại máy bơm có bộ đổi nguồn từ 220V về điện áp thấp hơn. Thực tế máy bơm loại này được sản xuất và ứng dụng cho mục đích khác, không phải tăng áp lực nước trong nhà.

Một số loại bơm chân không có sẵn van 1 chiều, tuy nhiên loại bơm ly tâm không có sẵn van 1 chiều, khi lắp đặt cần mua ngoài và lắp đặt sát đầu vào máy bơm.

Nên có dây tiếp đất để tránh rò điện, đặc biệt khi lắp trong nhà tắm, vệ sinh và những nơi ẩm ướt.

Lắp thêm 1 nhánh song song để khi không có nhu cầu sử dụng máy bơm nữa hoặc khi máy bơm bị hỏng cần sửa chữa sẽ không ảnh hưởng đến sử dụng.

Cách làm cho bơm tăng áp hoạt động hiệu quả hơn:

Thông thường bơm hoạt động theo hình thức đóng/ mở liên tục. Việc này khiến bơm nhanh hỏng, van nhanh hư và tốn điện.

Có một cách rất hay khắc phục được hoàn toàn các bất cập trên, bằng cách lắp thêm vào một đoạn ống D114 dài khoảng 2m để tạo thành một dạng bình tích áp gần van sử dụng nước (ống càng to càng dài thì áp càng khỏe). Khi mở khóa nước dâng lên ống ở dạng bị nén, và cấp điều hòa trở lại cho vòi nước khi sử dụng. Tất nhiên là chỉ được trong một khoảng thời gian nhất định. Chi tiết xem tại đây.

Thoát nước nhà phố
Dạng bình tích áp tự chế

Cách này cũng có hiệu quả với cả khi không sử dụng bơm tăng áp.

Loại máy bơm hút giếng

Về cơ bản, máy bơm hút giếng cũng sử dụng loại máy bơm đẩy cao. Tuy nhiên để lựa chọn thì cần phải chú ý đến mực nước ngầm để lựa chọn đúng loại máy bơm (là khoảng cách từ mặt nước tĩnh đến vị trí đặt máy bơm):

  • Mực nước ngầm <5 mét, dùng loại máy bơm cánh thông thường.
  • Mực nước ngầm từ 5-8 mét, có thể lựa chọn máy bơm cánh trục ngang hoặc các loại máy bơm hút khác.
  • Mực nước ngầm từ 8 – 32 mét, phải dùng đến đường hồi và cọc hỗ trợ hút sâu.
  • Mực nước ngầm sâu hơn 32m, dùng máy bơm hỏa tiễn thả thẳng xuống giếng.

Trong trường hợp có sử dụng đường hồi và cọc hút sâu thì nên sử dụng máy bơm ly tâm hoặc bán chân không để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Nhata.net hy vọng các thông tin trong bài viết Các loại máy bơm nước dùng trong gia đình có ích cho bạn!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *